Giá nhà đất Hà Nội quá cao

Cập nhật 19/12/2010 08:20

Hiện lĩnh vực đầu tư bất động sản có 101 bộ thủ tục hành chính, qua rà soát đã cắt được trên 30% thủ tục, giảm bình quân mỗi năm 1.600 tỉ đồng

Hiện lĩnh vực đầu tư bất động sản có 101 bộ thủ tục hành chính, qua rà soát đã cắt được trên 30% thủ tục, giảm bình quân mỗi năm 1.600 tỉ đồng

Đây là đánh giá của nhiều công ty bất động sản (BĐS) tại Hội nghị sinh hoạt quý IV/2010 của CLB BĐS Hà Nội gần đây. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, Tổng Giám đốc Group Cường Phát, nhìn nhận giá nhà đất Hà Nội chênh lệch cao so với TPHCM là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là do thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài thời gian.

Làm dự án như... cưỡi cọp!

Ông Nguyễn Hữu Cường bộc bạch: “Nhiều dự án kéo dài 2-3 năm, có dự án còn dài hơn nữa vì vướng quá nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp làm cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí bị đội lên, rốt cuộc giá nhà đất tăng cao, người tiêu dùng phải lãnh đủ”.

Ông Cường phân tích một dự án được đầu tư rất nhiều tiền của và công sức. Do tiền không được giải ngân và quay vòng, trong khi phần lớn của chủ đầu tư là vay ngân hàng nên họ phải è lưng trả lãi khổng lồ.

Vì thế đã có rất nhiều chủ dự án không thể vực dậy dự án bị “ngâm” quá lâu. Cùng ý kiến với ông Cường, ông Hoa Anh Tuấn, đại diện sàn BĐS Hoàng Gia, cũng cho rằng mặc dù đã có Nghị định 71, Thông tư 16 nhưng trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp vẫn gặp vô vàn khó khăn vì thủ tục phiền hà và nạn sách nhiễu. “Nhiều dự án của các công ty bạn bị “treo” nhiều năm, thậm chí là vĩnh viễn mà không hiểu vướng ở đâu và vì sao”- ông Tuấn bày tỏ.


Dù nhiều dự án căn hộ được triển khai song giá nhà đất Hà Nội vẫn cao so với thu nhập của phần lớn người dân

Trước ý kiến bức xúc của doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), chia sẻ: “Làm dự án BĐS như cưỡi lên lưng hổ.

Vấn đề chỉ là hổ to hay nhỏ mà thôi, dù ở bất cứ địa phương nào cũng vậy. Nguyên do là làm dự án BĐS liên quan đến quá nhiều luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư... và khoảng 10 nghị định, thông tư hướng dẫn...”. Ông Nguyễn Hữu Cường ví việc làm dự án BĐS như đi vào “ma trận”.

Thị trường chưa minh bạch

Ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS VN, cho rằng quỹ đất Hà Nội có hạn, nguồn cung yếu, thủ tục, cơ chế còn khó khăn, việc minh bạch hóa thị trường BĐS trong thời điểm này là điều không dễ.Chính vì thủ tục khó khăn hơn, nguồn cung yếu nên chắc chắn tình trạng tham nhũng đất đai, gian dối trong quá trình giao dịch BĐS sẽ xảy ra.

Còn theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS VN, hiện toàn quốc có 7.300 bộ thủ tục hành chính, trong đó riêng lĩnh vực đầu tư BĐS có 101 bộ thủ tục. Vừa qua, Hiệp hội BĐS VN đã rà soát thí điểm 14 bộ thủ tục hành chính và đã kiến nghị các cơ quan chức năng cắt được trên 30% thủ tục, giảm thiểu chi phí của xã hội bình quân mỗi năm 1.600 tỉ đồng.

Cao hơn so với TPHCM


Ông Nguyễn Trung Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Thế kỷ, nhận định một lý do khác dẫn đến giá nhà đất Hà Nội quá cao so với TPHCM là do nguồn cung quá ít.

Theo ông Vũ, hiện giá đất phía Tây Hà Nội vẫn đang “sốt”, ngay cả khu vực xa như Quang Minh, huyện Mê Linh cũng “nhảy” giá. Ông Vũ cho biết ở TPHCM có tới cả trăm dự án bán hàng cùng lúc, trong khi Hà Nội chỉ là vài chục dự án.

Vì thế, ở TPHCM, chủ đầu tư tìm đến khách hàng để chào bán nhà đất, còn Hà Nội cứ “động” vào là có “chênh lệch”. Nơi không có “chênh lệch” là dự án ở quá xa hoặc là loại cao cấp, siêu cao cấp, giá đã quá đắt.

Ông Vũ nói: “Trong một ngày tôi ở TPHCM, có tới 10 chủ dự án chào bán nhà chung cư, với giá giảm 15% cho một sàn và 20%-25% cho cả tòa nhà. Còn ở Hà Nội, không khi nào có chuyện này, chỉ có giá chênh bao nhiêu so với giá gốc chủ đầu tư phát ra”.

Bổ sung về nguyên nhân thị trường BĐS thường lên những cơn “nóng, lạnh”, TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn luật đất đai - Đại học Luật Hà Nội, cho rằng do thiếu sự định hướng và dự báo của Nhà nước.

Chính sự thiếu định hướng, bỏ trống dự báo về thị trường BĐS mà nhà đầu tư, người dân thường chạy theo những đợt “sốt” giả tạo và đầu tư theo kiểu “đám đông”. Hậu quả là khi “cơn sốt” hạ nhiệt hay thoái trào, giá xuống dốc không phanh là người dân, nhà đầu tư bán đổ, bán tháo và thua lỗ nặng, thậm chí phá sản...

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động