Giá đất ven sông Hồng giảm mạnh vì “dự án tỷ đô”

Cập nhật 02/10/2007 11:00

Sau khi có triển lãm về thành phố ven sông Hồng (Hà Nội) để người dân góp ý, hàng nghìn hộ dân ở khu vực Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá, Tứ Liên, Phúc Xá... như ngồi trên đống lửa......

Sau khi có triển lãm về thành phố ven sông Hồng (Hà Nội) để người dân góp ý, hàng nghìn hộ dân ở khu vực Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá, Tứ Liên, Phúc Xá... như ngồi trên đống lửa. Giá đất ở khu vực này đang cao ngất ngưởng bỗng giảm mạnh mà vẫn không có người mua.

Ở các khu vực này, giá đất cách đây khoảng 1 tháng từ 20 - 25 triệu đồng/m2, nhưng giờ đã giảm mạnh. Người đang tìm mua thì dừng lại nghe ngóng, người có đất bán thì tiếc hùi hụi vì không kịp bán nhanh từ trước.

Bà Nguyễn Thị Hồng ở phường Quảng An có mảnh đất gần 100 m2 đang rao bán, cho hay: “Tôi nói ông nhà tôi không chịu nghe. Mấy hôm trước họ trả 23 triệu đồng/m2 không bán, giờ 15 triệu đồng/m2 cũng chẳng có ai thèm ngó”.

Thậm chí, nhiều người đã nhận tiền đặt cọc, chuẩn bị làm giấy tờ cũng bị người mua đánh tháo. Nhiều người mới mua đất ở khu vực này cũng tỏ ra hoang mang, người muốn bán đất không bán được, người có tiền cũng không dám xây nhà. Nhiều người dự định làm 5 - 6 tầng đã xây xong phần móng nhưng khi nghe dự án đành lùi lại làm tạm 1 - 2 tầng để nghe ngóng tình hình.

Kế hoạch di dời

Theo ông Lê Xuân Trường, chuyên viên tư vấn Công ty Bất động sản B.D.S, thị trường đóng băng khi nghe tin về dự án là đương nhiên. Người mua không bao giờ mạo hiểm bỏ ra cả tỷ bạc để mua một mảnh đất chưa biết rõ quy hoạch. Nhưng việc đóng băng thị trường ở khu vực này lại “kích” thị trường các khu lân cận. Khu Ciputra đã tăng giá 10 - 20% trong giai đoạn một tháng vừa qua. Giờ đây căn hộ 123 m2 tầng 10 nhìn ra hướng Hồ Tây có giá đến 180.000 USD.

Theo kế hoạch được Tổ dự án Hà Nội - Seoul công bố, ngoài việc xây dựng thêm đê mới để ổn định dòng lũ và tận dụng đê hiện tại thành tuyến đê 2, dự án thành phố ven sông Hồng còn quy hoạch công viên (không gian mở) ven sông Hồng với diện tích khoảng 4.200 ha. Công viên ven sông được quy hoạch xen kẽ, men theo suốt dọc sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

Tính toán của Tổ nghiên cứu, tại nhiều nơi sẽ hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên, đường cây xanh dành cho người đi bộ, đường chạy marathon ven sông, không gian thể thao tổng hợp, kè bậc thang để người dân ngồi chơi, hóng mát...

Theo Tổ dự án, để triển khai dự án này, khoảng 39.000 hộ dân đang sống trên khu vực bãi sông, đê hiện tại có khả năng phải di dời. Tuy nhiên, không có nghĩa tất cả số hộ này phải chuyển đi cùng lúc mà được chia làm nhiều giai đoạn: khoảng 11.000 hộ sẽ chuyển đi từ 2008 - 2012, hơn 19.000 hộ khác chuyển đi từ 2013 - 2016, và xấp xỉ 9.000 hộ còn lại chuyển đi vào giai đoạn cuối (2017 - 2020).

Tổng chi phí để có một thành phố hoàn toàn mới dọc 40 km đôi bờ sông Hồng được hoạch định gần 7,1 tỷ USD, trong đó chi phí cho bồi thường, tái định cư dự kiến là 1,564 tỷ USD.

Theo SGGP