Giá đất và giấc mơ có nhà của người nghèo

Cập nhật 15/12/2010 09:10

Khung giá đất năm 2011 đã được xác lập. Theo đó, mức giá đất tại vị trí vàng như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm là 81 triệu đồng/m2.

Khung giá đất năm 2011 đã được xác lập. Theo đó, mức giá đất tại vị trí vàng như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm là 81 triệu đồng/m2.

Hụt hơi theo khát vọng thị thành

Anh bạn tôi, một công chức mẫn cán ở Hà Nội, một người quanh năm chỉ lo hoàn thành tốt công việc ở cơ quan đợt này bỗng dưng lại quan tâm đến bất động sản, đến giá đất chỗ này, chỗ khác, khu này khu kia. Sau nhiều ngày lục lọi thông tin về thị trường, cùng với ước muốn cháy lòng của vợ con là được ở nhà thành phố, vợ chồng anh bàn tính sẽ bán hết gia sản ở quê, gom góp tiền lên Hà Nội mua đất.

Có điều, giá đất Hà Nội đang trong thời kỳ “phi nước đại”. Vì vợ anh chỉ muốn được ở mặt đường, và phải gần nơi làm việc nên anh trực chỉ mặt đường khu Thanh Xuân mà tìm kiếm.

Mặt đường Nguyễn Trãi, giá được chào 200 triệu đồng/m2; mặt đường Khuất Duy Tiến, giá được "hét" lên đến 350 triệu đồng/m2. Khu Trung Hoà Nhân Chính cũng tương tự, 200 triệu đồng/m2. Tìm xa hơn một chút, vào khu Mỹ Đình, giá đất cũng cao đến chóng mặt. Chị vợ anh, sau nhiều ngày bạc mặt cùng chồng đi tìm đất, khi nghe phán về giá đất ngất ngưởng như vậy, dường như cũng nguội cơn thèm nhà mặt đường. Bởi, với mức giá đất như thế thì tính đi tính lại tổng gia sản của vợ chồng anh bán đi cũng chỉ mua được dăm mét vuông đất. Với ngần ấy diện tích thì ở quê anh chị, chỉ đủ để làm nhà cho người đã khuất mà thôi.


Theo khung giá đất 2011 vừa được UBND TP. Hà Nội công bố, mức giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2 thuộc về Hàng Ngang, Hàng Đào... nhưng trên thực tế, giá đất mặt đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đang được chào bán 200 triệu đồng/m2

Ý định ở nhà đất tiêu tan, vợ chồng anh bàn bạc với nhau chuyển hướng sang mua chung cư. Theo phán đoán thị trường của anh, chung cư ở Văn Phú, quanh khu Mỹ Đình tầm 20 triệu/m2 là có thể tìm được. Nhưng, đúng là thị trường biến đổi hàng ngày, giá chung cư cũng tăng nhanh đến chóng mặt, giá chung cư khu Mỹ Đình giờ cũng xấp xỉ 30 triệu đồng/m2. Anh chị hoang mang không biết nên làm gì với số tiền bán tài sản ở quê, mà nhà để ở thì vẫn không có.

Khát vọng có nhà được đặt vào việc mua nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp. Nhưng nhà thu nhập thấp thì cũng mới chào bán đợt đầu mà lại ưu tiên cho người có hộ khẩu tại 3 quận Hà Đông, Thanh Xuân và Đống Đa thôi.

Sau nhiều năm cống hiến ở thủ đô, anh cũng được chứng nhận là người Hà Nội, nhưng, sau khi đọc tiêu chí, tìm kiếm thông tin trên mạng và báo chí, anh chị quyết định không đăng ký mua nhà thu nhập thấp nữa. Bởi, nhiều người đi xe hơi còn xếp hàng mua nhà thu nhập thấp, vợ chồng anh chị tích cóp mãi mới mua được 2 chiếc xe máy tầm trung, thì đăng ký làm sao được….

Mơ ước có nhà của anh chị một lần nữa lại tan theo các đợt sóng của thị trường.

Người nghèo "oải" vì điều kiện mua nhà

Nhưng, đây không phải là chuyện chỉ riêng có của anh chị, mà là nỗi niềm chung của những công chức làm công ăn lương. Trong số danh sách các khách hàng được quyền mua nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, khu nhà thu nhập thấp đầu tiên của Hà Nội, gần như không có một công chức, viên chức nào trúng.

Có thể lý giải vì trong đợt chào bán đầu tiên chỉ có 328 căn hộ nhưng lại áp đặt tiêu chí để khu biệt đối tượng được quyền mua nên số công chức, viên chức không nhiều. Nhưng, có một thực tế khác mà ít người để ý đến là việc nhà chức trách, người bán (chủ đầu tư) đã đưa ra quá nhiều tiêu chí để mài mòn nhiệt huyết tham gia đăng ký mua nhà thu nhập thấp của người nghèo.

Đầu tiên là việc đưa ra thang điểm 100, có hộ khẩu Hà Nội, sau đó là 3 quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa. Rồi số căn hộ đưa ra đợt đầu cũng chỉ có 328 căn mà thôi.

Trong đợt bán nhà thu nhập thấp đầu tiên, người ta đã an ủi những người chen lấn xếp hàng đăng ký mua nhà thu nhập thấp bằng cách chuyển hồ sơ sang khu Việt Hưng, nếu người mua có nhu cầu.

Nói về nhu cầu nhà ở, thì nhiều triệu người có thu nhập dưới mức bình quân của thành phố đang có nhu cầu. Nên có chuyển sang Việt Hưng (Gia Lâm) hay xa hơn nữa vào khu Dương Nội (quận Hà Đông) chắc chắn rất nhiều người đăng ký mua. Với điều kiện, việc bán nhà cho người nghèo phải minh bạch, chính xác.

Nhà đất vẫn chỉ là giấc mơ


Hiện, riêng trên địa bàn Hà Nội có hơn 10 dự án nhà thu nhập thấp đang được triển khai. Khi các dự án này hoàn thành và đưa ra thị trường, sẽ giúp cho nhiều người nghèo có nhà để ở. Nhưng, trong bối cảnh giá đất thực tế và giá đất được UBND TP. Hà Nội công bố năm 2011 không sát với nhau, thì chưa biết, người thu nhập thấp liệu có mua được nhà theo mức thu nhập của họ hay không.

Theo khung giá đất mới nhất vừa được UBND TP. Hà Nội công bố, năm 2011 giá đất tại một số đường, phố sẽ cao hơn năm 2010, một số đường phố sẽ được giữ nguyên, không điều chỉnh, nhưng vẫn nằm trong mức giá tối thiểu là 2.340.000 đồng/m2 (đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông), giá tối đa vẫn là 81.000.000 đồng/m2 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm)

Giá đất ở tại thị trấn và Thị xã Sơn Tây tối thiểu là 750 nghìn đồng/1m2, tối đa là 26 triêu đồng/1m2.

Giá đất tại các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm giáp danh với các quận và khu đô thị mức tối thiểu là 2 triệu 035 nghìn đồng/1m2, tối đa là 31 triệu đồng/1m2.

Giá đất tại đầu mối giao thông có mức tối thiểu là 433 nghìn đồng/1m2, tối đa đa 11 triệu 250 nghìn đồng/1m2.

Giá đất ở khu dân cư nông thôn có mức tối thiểu là 250 nghìn đồng/1m2, tối đa 2 triệu 200 nghìn đồng/1m2.

Nhưng, đây chỉ là giá trên giấy tờ. Chính các nhà quản lý cũng "bất lực" với giá đất cao chóng mặt tại thực tế. Và chỉ có thể giải thích nguyên nhân khung giá trên cách xa so với giá thực tế đang biến động phức tạp hiện nay, Phó Chủ tịch UBDN TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, bảng giá đất mà thành phố ban hành phải bảo đảm trong khung giá mà Chính phủ quy định. Do đó một số khu vực vị trí giá đất thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Như vậy, việc đưa ra mức giá khung về đất đai, dường như chỉ đáp ứng được tiêu chí trên giấy về khả năng mua được đất, nhà của những người nghèo cực kỳ lạc quan. Và chỉ khi nhà quản lý cầm cương được giá đất thì may ra, người nghèo mới có cơ hội có nhà...

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia