Giá đất theo thị trường là phải để thị trường quyết định và có được sau đấu giá chứ không phải do nhà nước công bố hàng năm.
Phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội (QH) về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội đã đi thẳng vào những bất cập xung quanh tình trạng thu hồi đất (THĐ) rồi bỏ hoang, quyền lợi của người dân sau khi mất đất chưa được bảo đảm và việc độc quyền trong việc xác định giá đất…
Sở hữu không quyết định sự thành bại của DN
Trao đổi với VOV, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: “Quan trọng nhất của giá đền bù đất đai trong tiếp thu lần này là chúng ta phải bám vào Hiến pháp. Nhưng chúng ta đừng có nhìn Hiến pháp như một mảnh giấy A4 chỉ ghi mấy từ vào đấy rồi ép lại. Rất nhiều ý kiến của các nhà kinh doanh bất động sản đã nói giá đền bù như thế này cao quá nên làm đội giá thành sản phẩm lên”.
Nêu quan điểm để chứng minh rằng sở hữu đất đai không liên quan và không phải là lực cản phát triển kinh tế, ông Kiên cho biết: Những nước xung quanh ta, như Hồng Kông (Trung Quốc), có ai được sở hữu đất đâu. Tất cả tỷ phú, triệu phú không sở hữu đất đai nhưng tại sao họ lại là cửa ngõ Trung Quốc và là nơi phát triển kinh tế nhất.
Samsung đi thuê đất nhưng làm ăn rất hiệu quả (ảnh thesaigontimes)
|
Sở hữu đất đai không quyết định sự thành bại của DN. Ông Kiên dẫn chứng, nhìn lại trong nước chúng ta thấy rằng các DN FDI có DN nào mua đất đâu mà hoàn toàn thuê đất. Riêng Samsung thuê đất ở Bắc Ninh, Núi Pháo (Thái Nguyên), nhưng chỉ trong 2 năm 2012-2013 công ty này đã nâng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam lên 17%. Vấn đề là họ sở hữu công nghệ, có thị trường, có đội ngũ người lao động có tay nghề cao chứ không đặt vấn đề sở hữu đất đai. Và quan trọng là người ta có tiền đến đâu thì đầu tư đến đấy. Để đầu tư một nhà máy thì phải nghiên cứu thị trường, ví dụ Itel là mất 7 năm. Chứ không phải như Việt Nam là vừa đầu tư vừa nghiên cứu thị trường.
Trong tiếp thu giải trình của UBTV Quốc hội đã hàm ý nói rõ vấn đề sở hữu trong phát triển kinh tế không phải là lực cản cho phát triển kinh tế của DN như một số người nói trong thời gian vừa qua. Vấn đề chẳng qua là công tác tổ chức triển khai thực hiện, công tác xử lý đất đai thế nào,
“Cái người dân bức xúc không phải tranh cãi với nhà nước rằng đây là đất của tôi, đây là đất của Nhà nước mà vấn đề người ta yêu cầu là làm rõ xem ai là người được hưởng lợi trong việc nhường lại đất đai. Vì người ta vẫn nhớ rằng đó là đất Nhà nước cấp cho họ chứ không phải đất của họ. Đừng có mượn người dân để lồng mục đích của mình vào. Nói như vậy là oan cho dân” – ông Kiên nói.
Nông dân thành người làm thuê trên ruộng của mình
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước trao quyền cho người sử dụng đất theo quy định. Việc THĐ nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng là việc làm "ích nước, lợi nhà”, dễ dàng tạo sự đồng thuận cao đối với người dân nếu công tác bồi thường được thực hiện công bằng, minh bạch. Song trên thực tế, những bất cập liên quan đến THĐ đã làm nảy sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài.
Theo phản ánh của ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) tình trạng thiếu đất sản xuất của nông dân đang diễn ra ở nhiều nơi. Tại một số địa phương, đã xảy ra việc người dân tranh chấp đòi lại đất đã giao cho các nông, lâm trường trước đây. Bởi trên thực tế đã xuất hiện tình trạng giao khoán lại đất đã thu hồi cho người dân, gọi là phát canh thu tô, làm nảy sinh tình trạng người dân phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình mà không đủ ăn, do định mức giao khoán cao, chu kỳ sản xuất lâm nghiệp dài từ 5-7 năm. ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu rà soát và bổ sung các quy định về THĐ sản xuất của các DN, nông, lâm trường để phân bổ và điều hòa đất sản xuất.
Đồng quan điểm này, ĐB Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) cho biết, thời gian qua, không ít DN, nhà đầu tư được giao đất nhưng bỏ đất trống kéo dài, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong nhân dân, nhất là những người bị THĐ. Công tác bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi cho các hộ bị THĐ theo dự thảo luật cũng chưa bảo đảm quyền lợi của nông dân có đất bị thu hồi. Thực tế, toàn bộ đời sống, chi phí sinh hoạt của nông dân bị THĐ chỉ dựa vào hoa lợi có được từ đất đai. Nay vì lợi ích của nhà nước, DN, nhà đầu tư mà ruộng đất của họ bị thu hồi, tức là nguồn sống chính, tư liệu sản xuất chính vĩnh viễn mất đi. Thế nhưng, họ chỉ được bồi thường bằng giá trị sản lượng của 1 vụ thu hoạch. ĐB đề nghị mức đền bù phải tính tương đương với một phần lợi nhuận trong sản lượng thu hoạch của cả thời gian mà người dân đã được giao đất thì mới hạn chế được khiếu kiện và xóa đi mặc cảm: nhà nước lấy đất của dân cày để giao cho các đại gia.
ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến, để giải quyết ”điểm nghẽn” khiếu kiện đất đai, cần quy định rõ, chỉ với những dự án do nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì Nhà nước mới THĐ. Với dự án mà Nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì không thuộc diện THĐ mà phải trưng mua quyền sử dụng đất. ĐB cũng kiến nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền THĐ nhằm tránh tình trạng, nhiều khu công nghiệp lấy đất, đền bù với giá rất rẻ cho dân nhưng lại bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.
Minh bạch giá đất để giảm khiếu nại, tố cáo
Cùng với những bất cập trong công tác THĐ, việc xác định giá đất thiếu minh bạch cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc với người dân. Theo phản ánh của ĐB Huỳnh Minh Hoàng (đoàn Bạc Liêu), câu hỏi lớn nhất hiện nay chính là việc xác định giá đất theo thị trường phải được thực hiện thế nào? Nếu theo thị trường là phải để thị trường quyết định và giá có được sau đấu giá mới chính là giá thị trường chứ không phải giá đất nhà nước công bố hàng năm. Khi đó giá đất sẽ được xác định một cách minh bạch, ngay trong một xã, một thôn, một ấp có thể có giá đất khác nhau do đất đai có vị trí thuận lợi khác nhau. Ngoài ra, thời điểm thu hồi, đấu giá đất khác nhau thì giá đất cũng khác nhau, khi đó sẽ không có chuyện so đo, tị nạnh giữa người dân các vùng giáp ranh về giá đền bù. Trong quá trình đấu giá, nên mời đại diện người dân được tham gia, giám sát hội đồng đấu giá. Với cách làm minh bạch như vậy sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo sau đền bù giải phóng mặt bằng bởi đa phần người dân đều chưa hài lòng về giá đất được đền bù. ”Nếu theo cơ chế thị trường thì thông thường người bán phải là người có quyền quyết định giá bán, không thể để cho người bị thu hồi đất bị xem là người đứng ngoài cuộc được”, ĐB nêu ý kiến.
Còn theo phản ánh của Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội): Thực tế ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng kéo theo tình trạng đơn thư, khiếu kiện vô cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công. Vì vậy, cần quy định thành một điều riêng về các trường hợp nhà nước THĐ cho dự án phát triển KT-XH để giảm thiểu những bất cập nảy sinh.
Chính vì vậy, đưa ra kiến nghị 5 phương án xác định giá đất theo thị trường, ĐB Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, không nên tập trung quyền quyết định về đất đai vào một cơ quan nhà nước để giảm tính độc quyền. Theo ĐB, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định, quyết định giá đất là chưa khách quan, khó tránh khỏi sự thiên lệch từ các cuộc vận động hành lang của chủ thể được giao đất. Bởi UBND là cơ quan phê duyệt quyết định các dự án công trình liên quan đến THĐ, sau đó việc xây dựng lại trình UBND thông qua. Chính UBND sau đó lại quyết định giá đất thì cách làm này gần như là ”vừa đá bóng, vừa thổi còi”. ĐB cho rằng, cần xây dựng quy trình thống nhất về quyết định giá đất, trong đó sẽ thuê dịch vụ định giá đất độc lập và thẩm định giá đất bởi một hội đồng chuyên môn. Đồng thời, Nhà nước phải bảo đảm tính minh bạch cao từ pháp luật, thực thi pháp luật nhằm giảm nguy cơ tham nhũng từ quyết định sai trái về giá đất, gây tác động xấu tới công cuộc phát triển kinh tế./.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV