Giá đất cần phù hợp với thực tiễn

Cập nhật 25/07/2014 14:26

Nhiều DN cho hay, nếu áp dụng theo cách tính mà thành phố quy định thì DN sẽ mất hết vốn, vì tiền thuê đất có thể vượt vốn điều lệ của DN. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều chính là các DNNN, khu vực trước đây được giao đất với diện tích khá lớn, giá thuê còn thấp…

Nhiều DN cho hay, nếu áp dụng theo cách tính mà thành phố quy định thì DN sẽ mất hết vốn, vì tiền thuê đất có thể vượt vốn điều lệ của DN. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều chính là các DNNN, khu vực trước đây được giao đất với diện tích khá lớn, giá thuê còn thấp…

Tại Hội thảo “Giải quyết khó khăn cho DN về giá thuê đất” diễn ra ngày 24/7, do Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện, thông tin được đề cập là nhiều DN vốn đã phải cố gắng xoay xở để trả tiền thuê đất, trung bình vài trăm triệu đồng mỗi năm cho một DN, nay sẽ phải chi nhiều hơn thế.

Theo ước tính, nếu tính giá thuê đất mới theo Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 thì họ sẽ phải trả tiền thuê đất lên tới hàng tỷ đồng...

Một đặc thù khác tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh được nhiều DN sản xuất, kinh doanh đang đi thuê đất của Nhà nước để sử dụng và đóng thuế hàng năm nêu lên là giá thuê đất được áp dụng có tính đặc thù. Nhưng cũng vì thế mà những DN thuê đất tại đây đang phải trả số tiền nhân với hệ số cao hơn nhiều so với các địa phương khác.

Giá bán nhà ở chưa giảm nhiều do chi phí quyền sử dụng đất còn cao

Phát biểu tại Hội thảo, nhiều DN cho hay, nếu áp dụng theo cách tính mà thành phố quy định thì DN sẽ mất hết vốn, vì tiền thuê đất có thể vượt vốn điều lệ của DN. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều chính là các DNNN, khu vực trước đây được giao đất với diện tích khá lớn, giá thuê còn thấp…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng phòng Vật giá, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về cơ bản Luật Đất đai sửa đổi có nhiều điểm mới, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Riêng đối với cách tính giá thuê đất hiện hành được tính sát với giá thị trường và là căn cứ để DN có phương án kinh doanh, tính toán lợi nhuận phù hợp.

Đồng thời, ngân sách Nhà nước cũng tránh được thất thu do trường hợp một số DN thỏa thuận đền bù giá đất nông nghiệp với người dân cao hơn nhiều so với bảng giá ban hành, sau đó để được nhận lại tiền từ ngân sách. Chính điều này khiến cho giá đất bị đội lên rất nhiều so với thực tế, song với cách tính mới, DN có muốn cũng không thể làm được điều này.

Hơn nữa, xuất phát từ yêu cầu hội nhập, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế và nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, nên việc tính giá đất theo thị trường là hoàn toàn hợp lý, công bằng và minh bạch. Vấn đề ở chỗ, các DN cần nắm bắt rõ quy định của luật pháp để có cách tính toán, lên kế hoạch kinh doanh, phân chia lợi nhuận sao cho hợp lý chứ không phải quy định của luật pháp gây khó cho hoạt động DN.

Riêng với vấn đề tính giá đất theo hệ số áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh, ông Chiến cho rằng, nhiều DN trên địa bàn đã có cách hiểu chưa đúng, tưởng rằng thành phố đang thu tiền thuế cao hơn địa phương khác, nhưng thực chất là đơn giá thuê đất mỗi năm còn tùy vào khu vực và mục đích sử dụng… DN cũng cần hiểu cho rõ để phản ánh đúng.

Ngoài ra, nếu xét theo giá thị trường thì cách tính này vẫn còn là sự vận dụng linh hoạt mà thành phố đã xin cơ chế Trung ương để tránh gây khó cho DN trên địa bàn. Bởi thông thường, một mét vuông đất trên đường Đồng Khởi (quận 1) có giá thị trường lên đến hơn 240 triệu đồng, nhưng theo đơn giá mà thành phố ban hành cao nhất là 81 triệu đồng/m2. Như vậy là có lợi cho DN chứ không phải gây khó.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Văn Giới, Phó trưởng Văn phòng đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, trước khi văn bản pháp luật ra đời bao giờ cũng xuất phát từ thực tế và tính toán đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, cũng như có lộ trình rõ ràng để DN chuẩn bị. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành lại rơi vào lúc tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nên việc tạo thêm áp lực cho DN là không tránh khỏi.

Đối với những trường hợp mang tính đặc thù, hoặc trong quá trình triển khai, thực thi quy định của luật pháp, nếu có vướng mắc các DN cần trực tiếp phán ánh lên cơ quan chức năng có thẩm quyền theo phân cấp từ địa phương tới Trung ương để kịp thời có hướng xem xét, giải quyết trên tinh thần xây dựng chung, nhằm giúp đưa chính sách, quy định của Nhà nước dần đi vào thực tiễn, ông Giới thông tin thêm.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng