Giá bồi thường đất sẽ vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2

Cập nhật 01/09/2007 17:00

Sở Tài chính vừa công bố về việc sẽ kiến nghị UBND TP.HCM cho tăng giá đền bù ở một số tuyến đường trên địa bàn quận 1 cho sát với giá thị trường, ....

Sở Tài chính vừa công bố về việc sẽ kiến nghị UBND TP.HCM cho tăng giá đền bù ở một số tuyến đường trên địa bàn quận 1 cho sát với giá thị trường, trong đó tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa dự kiến giá đền bù được áp dụng là 125 triệu đồng/m2. Thông tin này được giới kinh doanh địa ốc coi trọng và dự báo thị trường nhà, đất sẽ ảnh hưởng mạnh.

Giá nhà, đất sẽ “ăn theo”

Nếu căn cứ khung giá đất theo Quyết định 179 (ban hành 22 - 12 - 2006) của UBND TP.HCM thì ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vị trí có giá cao nhất là 21,6 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu phương án giá trên được thông qua thì giá đất ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ tăng gần 6 lần.

Ông Lê Quang Hàng, Chủ tịch HĐQT Công ty SaigonLand, nhận định: “Dù mức giá trên vẫn chưa thực sự sát với thị trường, nhưng đây là bước đột phá của Nhà nước khi bắt đầu nhìn nhận về giá thị trường và sẽ có những tác động nhất định đến thị trường. Việc thừa nhận này cũng mang ý nghĩa pháp lý và được xem là “cột mốc” mà khi chuyển nhượng nhà, đất tại khu vực này sắp tới khách hàng sẽ luôn nghĩ phải từ 125 triệu đồng/m2 trở lên”.

Theo ông Hàng, giá giao dịch thực tế ở khu vực này hiện trung bình là 12 lượng SJC/m2 (khoảng 155 triệu đồng/m2), trong đó có một số đoạn giá giao dịch từ 13 - 14 lượng vàng SJC/m2 (từ 170 triệu đồng đến hơn 183 triệu đồng/m2).

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, đây không phải là tuyến đường có giá cao nhất, bởi mới đây một số đơn vị thẩm định giá đã xác định một số tuyến đường để làm cơ sở xem xét việc đền bù, giải tỏa theo quy định chung của Nhà nước, như đường Lê Lợi có giá 180 triệu đồng/m2, thậm chí một tuyến đường gần đó còn đạt mức 212 triệu đồng/m2.

Đây là những con số gây bất ngờ đối với các chuyên gia địa ốc, bởi theo bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, hiện giá đất đền bù đã công bố cao nhất là hơn 80 triệu đồng/m2 đối với tuyến đường Trần Hưng Đạo (đoạn ở quận 5) và khung giá đất tối đa mà TP đưa ra chỉ có 43 triệu đồng/m2 đối với 3 tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng giá đền bù tăng chắc chắn sẽ kéo theo giá thị trường tăng và leo lên những cột mốc mới.

Kéo theo gánh nặng... tài chính!

Việc khung giá đền bù tăng là điều đáng mừng đối với người trong diện bị giải tỏa, thế nhưng sẽ là gánh nặng của nhiều người, nhất là trong giao dịch nhà, đất với các khoản nghĩa vụ tài chính. Ông Võ Đình Quốc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc ACB, cho rằng: Việc khung giá đền bù tăng, đồng nghĩa với khung giá Nhà nước công bố hằng năm sẽ tăng.

Với các mức thuế, nghĩa vụ tài chính vẫn giữ nguyên như hiện nay thì đây sẽ là một gánh nặng thực sự, bởi giá đất tăng gấp 4 lần thì các khoản này cũng tăng theo.

Ông Quốc đưa ra ví dụ: Một khu đất tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) đoạn có giá cao nhất khi chuyển nhượng nếu tổng giá trị khu đất tạm tính theo khung giá là 2 tỉ đồng, thì số tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất (thuế suất 4%) phải đóng là 80 triệu đồng. Nếu giá đất tăng lên gấp 6 lần như dự kiến, khu đất sẽ có giá 12 tỉ đồng, như vậy số tiền phải đóng thuế sẽ lên đến 480 triệu đồng/m2.

Về vấn đề này, bà Nguyệt cho biết những mức giá mà UBND TP đã công bố chỉ dùng để áp giá đền bù tại những dự án cụ thể. Còn việc thực hiện các nghĩa vụ thuế đất hằng năm, tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ... vẫn căn cứ vào khung giá đất mà UBND TP ban hành hằng năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, không khỏi lo lắng bởi khi công bố giá đền bù tức là đã xác định giá trị đất tại khu vực đó, do vậy không thể không tăng khung giá đất công bố hằng năm.

Với mức giá tăng như vậy, nếu không điều chỉnh các loại thuế nhà, đất sẽ dẫn đến việc người dân tìm cách “lách luật” để trốn thuế khi giao dịch. Ông Sơn cho rằng việc giảm các mức thuế, nghĩa vụ tài chính tương ứng với việc tăng khung giá đất sẽ thích hợp hơn. Bởi nếu xây dựng một bảng giá quá sát với thị trường như hiện nay thì không có tổ chức, cá nhân nào có thể “chịu đựng” được mức thuế, các khoản nghĩa vụ tài chính hiện đang được áp dụng.

Theo Tường Nguyên - Người Lao Động