“Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn quy định bồi thường đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng và thu nhập từ mục đích sử dụng là rất khó thực hiện. Trong thực tế, việc xác định bồi thường đất nông nghiệp chưa được người dân đồng tình mặc dù có quy định thêm khoản hỗ trợ cao hơn nhiều lần so với giá bồi thường
Kiến nghị nâng mức bồi thường cho đất nông nghiệp ở đô thị đặc biệt như TP.HCM.
“Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn quy định bồi thường đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng và thu nhập từ mục đích sử dụng là rất khó thực hiện. Trong thực tế, việc xác định bồi thường đất nông nghiệp chưa được người dân đồng tình mặc dù có quy định thêm khoản hỗ trợ cao hơn nhiều lần so với giá bồi thường” - Giám đốc Sở Tài chính Đào Hương Lan góp ý trong hội nghị lấy ý kiến về dự thảo này do HĐND TP.HCM tổ chức, ngày 22-3.
Chậm bồi thường, phải trả lãi
Bà Lan lý giải, tại đô thị đặc biệt như TP.HCM, đa số đất nông nghiệp đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hầu hết trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là để chuyển mục đích sử dụng thành đất ở hoặc đất sản xuất kinh doanh. Do đó, “kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc xác định giá bồi thường đất nông nghiệp tại các đô thị đặc biệt phù hợp hơn hoặc xác định giá đất nông nghiệp tại đô thị đặc biệt bằng 10%-20% giá đất ở tính bồi thường”.
Lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng dự thảo quy định về trách nhiệm của cơ quan chi trả “phải bồi thường kịp thời” là rất chung chung. Bà đề nghị bổ sung thành: Tối đa 90 ngày (đối với đất nông nghiệp) và 180 ngày (đất phi nông nghiệp) kể từ ngày phê duyệt phương án bồi thường thì phải chi trả tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất. Nếu chậm chi trả thì phải trả lãi cho người bị thu hồi theo lãi suất 0,05%/ngày.
Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới ở quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD
|
Trao thêm quyền cho dân
Đó là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Viện Nghiên cứu lập pháp (UBTV Quốc hội) và Oxfam tổ chức tại Hà Nội, ngày 22-3.
Kết quả tham vấn cho rằng: “Việc thực thi Luật Đất đai hiện hành có nhiều khâu thiếu minh bạch. Người dân không được biết về quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và việc thu hồi đất liên quan tới thực hiện các dự án. Điều đó khiến họ không yên tâm sản xuất”.
Báo cáo tham vấn cũng nêu hàng loạt bất cập khác như quy hoạch sử dụng đất manh mún, nhiều dự án treo; hiện trạng lãng phí đất đai ở các nông lâm trường quốc doanh trong khi người dân không có đất để canh tác…
Từ những bất cập trên, báo cáo tham vấn kiến nghị cần cho người dân tham gia góp ý nhiều hơn nữa trong công tác quản lý đất đai và thực thi các chính sách pháp luật về đất đai. Cụ thể, cần có quy trình lấy ý kiến dân, tham vấn cộng đồng về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Các hình thức lấy ý kiến nhân dân phải được tổ chức chặt chẽ, thực sự thể hiện nguyện vọng của người dân.