“Giá bất động sản cao là do gánh nhiều chi phí bôi trơn”

Cập nhật 03/12/2010 09:50

Dù thị trường bất động sản cả hai miền Nam – Bắc đang chững lại, song giá của nhiều phân khúc trên thị trường vẫn không có dấu hiệu giảm xuống.

Dù thị trường bất động sản cả hai miền Nam – Bắc đang chững lại, song giá của nhiều phân khúc trên thị trường vẫn không có dấu hiệu giảm xuống.


Nguyên nhân khiến giá thành và giá bán bất động sản chưa giảm là do các yếu tố như tiền sử dụng đất, tiền giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí khác không tính được vào chi phí đầu tư chưa giảm. Ảnh: Lê Hồng Thái. Ảnh: Lê Hồng Thái

Theo nhiều chuyên gia, giá bất động sản vẫn ở mức cao trong bối cảnh thị trường ảm đạm là do nguồn cung đang khá hạn chế so với nhu cầu của hàng triệu người dân.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, còn đề cập đến những nguyên nhân khác.

* Theo ông, nguyên nhân nào khiến thị trường bất động sản cuối năm nay không được như kỳ vọng của nhiều chủ đầu tư?

Tôi cho rằng nguyên nhân khiến thị trường ảm đạm là do nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục với một tốc độ không quá nhanh. Hơn nữa, hiện Chính phủ cũng đang có mục tiêu trọng tâm là kiềm chế lạm phát, trong đó có chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản, không ưu tiên cho vay bất động sản. Do đó, dòng tiền đổ vào bất động sản bị ảnh hưởng khá lớn bởi rào cản lãi suất. Khó có ai có thể chịu đựng được mức lãi suất 18 – 19%/năm để đầu tư dự án hoặc vay mua đầu tư, lướt sóng. Người tiêu dùng lại càng không thể mua nhà với mức lãi suất đó.

Tất nhiên, cũng có nhiều người mua nhà đã huy động các nguồn vốn tự có nhưng thường số vốn đó không đủ, vẫn phải vay ngân hàng một phần, nên ít nhiều đối tượng này cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất. Ngoài ra, cũng có một phần là do giá bất động sản không giảm nhiều dù giao dịch thành công không lớn.

* Thị trường ảm đạm mà giá bất động sản không giảm, thậm chí có một số dự án còn tăng, điều đó có nghịch lý?

Nguyên nhân khiến giá thành và giá bán bất động sản chưa giảm là do các yếu tố như tiền sử dụng đất, tiền giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí khác không tính được vào chi phí đầu tư chưa giảm. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường của một số cơ quan địa phương không tốt, dẫn đến một số cơn sốt của ngành hàng sắt thép, ximăng, xăng dầu... khiến giá thành tăng lên.

Chúng tôi vừa có dịp tham quan các nước trong khu vực. Nếu so với giá nhà của các nước trong ASEAN thì giá nhà của chúng ta quá cao. Đây là nghịch lý mà Chính phủ phải sớm xem xét điều chỉnh lại, đặc biệt là loại bỏ những yếu tố, những chi phí bôi trơn làm tăng giá nhà để tạo ra tính minh bạch và công bằng cho tất cả chủ đầu tư thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, từ đó tạo điều kiện cho giá bất động sản giảm xuống.

* Nhiều người vẫn cho rằng “cầu” trên thị trường bất động sản Việt Nam không chịu ảnh hưởng nhiều từ chính sách lãi suất bởi đa phần vẫn mua nhà bằng vốn tự có?

Điều này chỉ đúng với một lượng lớn những người mua nhà để ở. Còn với các nhà đầu tư, vốn thường phải dựa vào ngân hàng, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Do đó, ở thời điểm hiện tại, phân khúc nhà ở thương mại đang bị chững lại trong khi đây là giai đoạn vốn được kỳ vọng nhất vì có nhiều người mua nhà để đón năm mới như thông lệ.

Theo tôi, trong bối cảnh này mua nhà không phải là lựa chọn số một của nhiều người dân. Sau một năm khó khăn, hiện nhiều người vẫn phải tính đến những bảo đảm bình thường của gia đình như ăn mặc, đi lại...

* Gần đây, có hiện tượng chủ đầu tư ở TP.HCM tăng cường giới thiệu dự án với thị trường Hà Nội. Thị trường TP.HCM đã bão hoà?

Tôi không nghĩ vậy. TP.HCM là “điểm đến” rất dễ sống nên đây là sự lựa chọn của nhiều người. Đi kèm đó là xu thế mua căn hộ để ở. Dĩ nhiên, có cả một bộ phận mua để đầu cơ. Ngoài ra, do giá bất động sản ở Hà Nội cao hơn nên nhiều nhà đầu tư không đủ tài chính để đầu tư hay sinh sống tại Hà Nội.

Thống kê của chúng tôi và các chủ đầu tư cho thấy số nhà đầu tư người Hà Nội chiếm 30 – 40% trong nhiều dự án tại TP.HCM. Thị trường Hà Nội được nhiều chủ đầu tư dự án lựa chọn để mời chào cũng là dễ hiểu.

Tuy nhiên, ở TP.HCM cũng có một số phân khúc đang có hiện tượng bão hoà như văn phòng cho thuê, nhà cao cấp... Những phân khúc có giá hợp lý, trung bình từ
13 – 17 triệu đồng/m2 và có nhiều thuận lợi về hạ tầng khác thì cung vẫn không đủ cầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị