Nếu như Hải Phòng luôn nhộn nhịp và quá tải do lưu lượng hàng hóa thông qua cảng tại đây quá cao so với năng lực của cảng, thì trái lại thị trường bất động sản của thành phố lớn thứ 2 miền Bắc và lớn thứ 3 cả nước này lại đang quá èo uột.
Nếu như Hải Phòng luôn nhộn nhịp và quá tải do lưu lượng hàng hóa thông qua cảng tại đây quá cao so với năng lực của cảng, thì trái lại thị trường bất động sản của thành phố lớn thứ 2 miền Bắc và lớn thứ 3 cả nước này lại đang quá èo uột.
Tiến hóa chậm chạp
Thờ ơ, đó là cách ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, nhận xét về sự quan tâm của người dân Hải Phòng đối với sản phẩm căn hộ chung cư. Trong suốt 10 năm qua Hải Phòng mới có 3 dự án chung cư được xây dựng. Hai trong số đó là của công ty do ông Thành làm giám đốc. Dự án đầu tiên khởi công năm 2001 là dự án xây dựng chung cư cho người có thu nhập thấp, được phủ đầy 2 năm sau đó với “khách hàng” chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Dự án chung cư thứ hai của công ty ông khởi công năm 2010, gồm 180 căn hộ, giá bán cao nhất trên dưới 500 triệu VND/căn có diện tích 60m2. Thế nhưng không ít người đã đăng ký mua rồi cũng bỏ, không tiếp tục tham gia góp vốn xây dựng.
Dự án chung cư có vị trí đẹp nhất tại Hải Phòng trong 10 năm gần đây được hoàn thành năm 2008 là của dự án Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi, với 3 khối nhà phục vụ tái định cư. Thế nhưng cho đến nay các khối nhà này vẫn thưa thớt người ở do các hộ dân đòi bồi thường tái định cư bằng đất chứ không chịu tái định cư trong khu chung cư. Trong khi đó thì hiện Hải Phòng có tới hơn 150 khu tập thể từ 1 đến 5 tầng, đa số được xây dựng trong giai đoạn những năm 1960 đến 1980 và hiện đều đã cũ nát.
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Hải Phòng, sản phẩm căn hộ chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số giao dịch bất động sản tại Hải Phòng. Trong khi đó có tới trên 60% số giao dịch hướng tới các sản phẩm đất nền. Đó chắc chắn là thực tế mà các nhà quản lý thành phố không hề mong muốn. “Chung cư là sản phẩm tiêu biểu thể hiện tính đại chúng, lành mạnh của thị trường bất động sản. Nhưng thực tế công chúng Hải Phòng thờ ơ với sản phẩm này cho thấy thị trường bất động sản thành phố tiến hóa khá chậm chạp”, ông Thành nhận xét. Đây là sự khác biệt lớn so với những thị trường khác như Hà Nội và TPHCM - những địa phương mà sản phẩm bất động sản chủ yếu là nhà chung cư.
Dự nợ vay đầu tư bất động sản tại Hải Phòng, thành phố trực thuộc trung ương lớn thứ 3 cả nước, chưa tới 2.000 tỷ đồng trong năm 2009 |
Trong suốt 10 năm Hải Phòng mới có 3 dự án chung cư xây dựng |
Chập chững đi lên chuyên nghiệp
Phòng làm việc của ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (HHBĐS) Hải Phòng, ngay cạnh sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp do ông làm giám đốc. Trên các bảng thông tin của sàn giao dịch này treo đầy thông báo mua, bán bất động sản, dù khách tới tư vấn các vấn đề về bất động sản tương đối thưa thớt.
Sàn giao dịch của công ty ông Thành là một trong vài sàn có “truyền thống” nhất của Hải Phòng, có trên 5 năm tuổi đời. Ban đầu sàn này chủ yếu giao dịch sản phẩm của chính công ty, nhưng dần dần cũng có giao dịch tại khu vực khác được thực hiện ở đây. Còn lại, đa số các sàn giao dịch bất động sản của thành phố chỉ mới thành lập không quá 3 năm. 1 - 2 năm gần đây số lượng các sàn giao dịch bất động sản thành lập mới ở Hải Phòng tăng khá nhanh, hiện đã có khoảng 14 sàn đang hoạt động. Tuy con số này không thấm vào đâu so với số lượng các sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội hay TPHCM nhưng nó cho thấy thị trường bất động sản Hải Phòng dù không sôi động nhưng cũng đã chập chững đi vào con đường chuyên nghiệp.
Nguyên nhân không chỉ do quy định về giao dịch bất động sản ngày càng chặt chẽ mà còn do bản thân các doanh nghiệp, cá nhân cũng nhận thấy yêu cầu, hiệu quả của chuyên nghiệp hóa các hoạt động liên quan tới bất động sản đem lại. Nhờ thế mà dù có một số trục trặc ban đầu nhưng tới giờ cơ bản hơn 150 nhà môi giới bất động sản của thành phố đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là một thay đổi lớn, vì chỉ chừng 3 năm trước, khi HHBĐS chuẩn bị thành lập, cả Hải Phòng không có nhà môi giới nào được hoạt động chính thức, tức là được pháp luật công nhận.
Nét mới mà các sàn giao dịch bất động sản Hải Phòng đem lại là việc đa dạng hóa các loại hình hoạt động. Sàn Đại Cát tổ chức theo mô hình như quán cà-phê để tạo không khí cởi mở, thân thiện giữa khách với nhà môi giới. Ngoài môi giới và bán sản phẩm của doanh nghiệp mình quản lý thì sàn này còn cung cấp dịch vụ khác như tư vấn, hỗ trợ tài chính, pháp lý… Sàn Nhà đất Văn Minh lại chủ yếu khai thác website về bất động sản, cử nhân viên tới tận nhà khách hàng để ghi nhận nhu cầu, chụp ảnh sản phẩm; sau đó thường xuyên thông báo đầy đủ tình trạng của bất động sản và liên lạc để kiểm tra tình trạng giao dịch của sản phẩm. Sàn Điền Gia thì lựa chọn hướng liên kết với các dự án tại địa phương khác để đa dạng hóa danh mục sản phẩm môi giới v.v…
Ông Thành, Chủ tịch HHBĐS Hải Phòng nhận xét, các dịch vụ bất động sản của thành phố đang dần được chuyên nghiệp cả ở giao dịch, môi giới và sản phẩm.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân