Đường Ngô Thì Nhậm dài 920m dẫn vào trung tâm hành chính của quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) nhưng đầy ổ gà, ổ voi. Ở một số chỗ người dân phải lấy đất đá vá tạm để đi lại.
Một con đường ở Q.Liên Chiểu - Ảnh: Đ.C. |
Đường Ngô Thì Nhậm dài 920m dẫn vào trung tâm hành chính của quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) nhưng đầy ổ gà, ổ voi. Ở một số chỗ người dân phải lấy đất đá vá tạm để đi lại.
Ông Đinh Ân (tổ 38, P.Hòa Khánh Nam) bức xúc: “Ngày nắng đường sá bụi bặm bay mù trời, còn mưa xuống thì bì bõm. Do ở đây không có cống thoát nước nên nước mưa rồi nước thải sinh hoạt của người dân cứ lênh láng cả đường”.
Đường Âu Cơ nối thẳng với đường vào Khu công nghiệp Hòa Khánh nên mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải nối đuôi nhau qua đây. Dù mới vài cơn mưa đầu mùa, nhiều chỗ đã ứ nước thành từng vũng lầy lội. Người tham gia giao thông qua đây chỉ biết lắc đầu rồi né xe sát vô lề mà tránh. Ông Phùng Đình Hữu (tổ 30, P.Hòa Khánh Bắc) nói: “Phải hơn mười năm rồi người dân ở đây bì bõm với con đường nát này. Chúng tôi phải đào đất đá để lấp lại, nhưng xe tải chạy rần rần vài hôm thì nát hết đường”.
Những con đường đau khổ khác như Phạm Như Xương, Ngô Xuân Thu, Tô Hiệu, Nguyễn Như Hạnh... cùng ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Hiện có tới 13 tuyến đường đang hư hỏng. Những con đường đau khổ này đều tập trung ở trung tâm các khu dân cư, trường học, khu công nghiệp... với lưu lượng người qua lại rất nhiều đã không ít lần gây tai nạn. Cùng với đó là hạ tầng như cống thoát nước mưa, nước thải... chưa có dẫn đến việc ngập úng rồi hôi thối, ô nhiễm.
Theo Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu, mới bêtông hóa được 294/461 tuyến đường, vẫn còn 61km đường đất thuộc năm phường. Quận Liên Chiểu cũng đã đầu tư xây dựng 50 tuyến đường đô thị, nhưng chỉ mới 15 tuyến có hạ tầng hoàn chỉnh.
Nói về hiện trạng những con đường đau khổ đang bao vây các khu dân cư, ông Nguyễn Văn Bình - chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu - lý giải: “Do sự phân cấp quản lý từ đường giao thông nông thôn trước đây lên đô thị nên hầu hết tuyến đường đều xuống cấp hoặc chỉ là đường đất. Những tuyến đường này đều hư hỏng, xuống cấp, không mương thoát nước, không cây xanh...”. Theo ông Bình, một nguyên nhân khác góp phần phá đường nhanh hơn là do tại đây đang triển khai rất nhiều dự án xây dựng nên lượng xe lưu thông lớn làm các con đường “quá đát” phải gồng mình chống đỡ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, giải pháp căn cơ là cần một chính sách đầu tư lớn, toàn diện từ TP bởi quận Liên Chiểu không đủ kinh phí. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đi theo mỗi con đường mới để không bị đào xới. Một số con đường đã có quy hoạch thì triển khai nhanh để người dân đỡ khổ.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO