Đường huyết mạch chờ... cầu

Cập nhật 29/06/2009 08:35

Được duy tu, nâng cấp từ năm 1999 và hoàn thành mấy năm qua nhưng tuyến Quốc lộ 63 (dài khoảng 120 km, tuyến đường huyết mạch nối liền hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau) vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu...

Được duy tu, nâng cấp từ năm 1999 và hoàn thành mấy năm qua nhưng tuyến Quốc lộ 63 (dài khoảng 120 km, tuyến đường huyết mạch nối liền hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau) vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa vì còn nhiều chiếc cầu chưa được xây xong.

Trên tuyến Quốc lộ 63 cách nay mấy năm, dư luận rất bất bình với 4 chiếc cầu “trùm mền” một thời gian dài ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Giờ đây, khi những chiếc cầu này đã hoàn thành đưa vào sử dụng thì lại có thêm 3 chiếc cầu khác xây dựng theo kiểu “rùa bò” nằm trên địa bàn hai huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang). Trong khi đó, đoạn nằm trên địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau) cũng còn 4 chiếc cầu thi công ì ạch và... nằm trên giấy.

Cầu Vĩnh Tiến nằm trên địa bàn huyện U Minh Thượng được khởi công xây dựng từ năm 2007, dự kiến năm 2009 sẽ đưa vào sử dụng, nhưng hiện nay chỉ mới đóng cọc xong bên mố B, trụ T1 và T2. Tương tự, cầu Ngã Năm và cầu Ngã Sáu ở huyện Vĩnh Thuận dù đã khởi công hơn một năm nhưng hiện nhà thầu vẫn chưa xây dựng xong các trụ, trong khi mỗi ngày cầu cũ hiện hữu phải oằn mình gánh hàng ngàn lượt xe qua lại dù tải trọng cho phép của cả 3 cầu Vĩnh Tiến, Ngã Năm và Ngã Sáu chỉ là... 5 tấn.

Ông Tô Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Phú Cường (Cà Mau), cho biết công ty có chi nhánh đặt tại tỉnh Kiên Giang nhưng xe đông lạnh không thể vận chuyển tôm đi trên Quốc lộ 63 mà phải chạy vòng Quốc lộ 1A lên Cần Thơ để về Rạch Giá với đoạn đường xa hơn gấp đôi. Theo ông Giang, nếu xe tải trọng trên 8 tấn trở lên chạy được trên Quốc lộ 63 thì doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được nhiên liệu mà còn rút ngắn được rất nhiều thời gian. Cùng cảnh ngộ, ông Trần Hữu Khanh, chủ vựa thủy sản ở thị trấn thứ 11, huyện An Minh (Kiên Giang), nói mỗi khi vận chuyển hàng hóa sang Cà Mau với số lượng 8-10 tấn thì phải xé lẻ thành hai chuyến xe vì không thể chở một chuyến do vướng 4 chiếc cầu quá yếu ở huyện Thới Bình (Cà Mau).

Trong 4 chiếc cầu nằm trên địa bàn huyện Thới Bình, cầu Trí Phải ở xã Trí Phải chỉ vừa được khởi công xây dựng, dự kiến 24 tháng sẽ hoàn thành. Còn cầu Tân Bình ở xã Tân Lộc Bắc có vốn đầu tư trên 12 tỉ đồng hiện nay chỉ mới đóng cọc được một bên dù đã khởi công hơn một năm. Lý giải về lý do chậm tiến độ, ông Trần Hóa Điện, Trưởng Phòng Quản lý kỹ thuật chất lượng Khu Quản lý đường bộ VII (chủ đầu tư), cho rằng có 7 hộ dân chưa chịu di dời vì khiếu nại tiền đền bù. Ông Điện nói: “Hiện nay chủ đầu tư cùng UBND huyện Thới Bình và Sở GTVT tỉnh Cà Mau thống nhất phê duyệt lại giá đền bù cho các hộ dân đang khiếu nại để sớm giao mặt bằng cho nhà thầu. Nếu công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi, cầu Tân Bình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009”.

Tuy nhiên, ông Trần Khắc Giám, Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ 19.5 (đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau), cho biết nếu cầu Trí Phải và cầu Tân Bình hoàn thành thì Quốc lộ 63 vẫn chưa hẳn đã thông. Nguyên nhân là hồ sơ xây dựng cầu Tân Lộc ở xã Tân Lộc và cầu Chợ Hội ở xã Tân Phú (Thới Bình) hiện vẫn còn nằm trên giấy, trong khi cầu cũ thường xuyên thủng sàn, xe qua lại rất nguy hiểm nên đơn vị này phải gia cố liên tục.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động