Đường Hồ Chí Minh với chiều dài 3.167 km, đi qua 30 tỉnh, thành phố khi được thông toàn tuyến, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng sẽ góp phần quan trọng để hình thành nên các khu công nghiệp...
Ảnh vovnews.vn |
Đường Hồ Chí Minh với chiều dài 3.167 km, đi qua 30 tỉnh, thành phố khi được thông toàn tuyến, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng sẽ góp phần quan trọng để hình thành nên các khu công nghiệp, khu kinh tế nơi tuyến đường đi qua.
* Thưa Bộ trưởng, việc xây dựng đường Hồ Chí Minh được tính toán, khảo sát hết sức kỹ lưỡng, nhưng vì sao vẫn có tình trạng đầu tư vượt dự toán ban đầu?
Theo tổng mức ước tính trong quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt, Dự án này được đầu tư với số vốn 41.020 tỷ đồng, tuy nhiên, theo tính toán, hiện tại, số tiền đầu tư vượt dự toán lên đến 3.148 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do Dự án này được lập dự toán từ năm 2003, từ đó đến nay, mặt bằng giá nói chung, giá nguyên, nhiên vật liệu trong lĩnh vực nói riêng tăng rất mạnh. Bên cạnh đó là việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng khiến đơn giá xây dựng tăng lên rất nhiều.
Ngoài ra, cũng có yếu tố chủ quan nữa là trong khi khảo sát ban đầu chưa đánh giá hết mọi phát sinh do địa hình, thiên nhiên, thời tiết, thổ nhưỡng nơi tuyến đường đi qua, nên khi bắt tay vào xây dựng các nhà thầu kiến nghị phải xử lý để bảo đảm chất lượng cho con đường, do đó chi phí đầu tư tăng lên.
* Việc đầu tư xây dựng vượt dự toán khiến cân đối nguồn vốn gặp khó khăn, chủ đầu tư và nhà thầu mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh tổng mức đầu tư. Liệu có biện pháp nào để hạn chế tình trạng này?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: Mạnh Bôn |
Khi phê duyệt dự án, chủ đầu tư, nhà thầu đều mong muốn dự án được đầu tư không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đối với những dự án lớn, thời gian thi công kéo dài như Dự án đường Hồ Chí Minh thì việc thực hiện đúng dự toán rất khó khăn.
Cụ thể đối với Đường Hồ Chí Minh, ngân sách khó có thể đáp ứng ngay nguồn vốn để thực hiện vì cũng phải tập trung nguồn vốn để thực hiện những dự án quan trọng, bức xúc khác như giao thông đô thị, đường cao tốc…
Khi nguồn lực chưa đủ, thời gian thi công kéo dài thì việc vượt dự toán khó tránh khỏi với những nguyên nhân tôi đã nói ở trên.
* Để khắc phục tình trạng này, vì sao không tính tới việc kêu gọi các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ, thưa Bộ trưởng?
Về cơ bản, việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh vẫn phải dựa vào vốn ngân sách và nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vì đặc điểm của đường này là đi qua nhiều vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, nên nhà tài trợ và nhà đầu tư không bỏ vốn ra để thực hiện như những dự án khác.
* Nhưng cũng có nhiều tuyến, việc đầu tư rất có hiệu quả?
Đối với những tiểu dự án có hiệu quả kinh tế cao, Chính phủ đang tìm kiếm thêm các nguồn vốn khác. Cụ thể là tuyến Cam Lộ - Túy Loan với tổng vốn đầu tư lên tới 30.000 tỷ đồng sẽ đầu tư với tiêu chuẩn đường cao tốc theo hình thức BT hoặc BOT; cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống có tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng cũng đang kêu gọi vốn ODA, thay vì đầu tư bằng ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ.
* Thưa Bộ trưởng, giai đoạn 1 của Dự án đường Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành, nhưng lưu lượng giao thông qua các đoạn tuyến vẫn còn rất ít, vì sao lại có tình trạng này?
Trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, Quốc lộ 1A vẫn là trục giao thông quan trọng của đất nước, vì nó đã được hình thành hàng trăm năm nay, các khu kinh tế, công nghiệp, dân cư đã được hình thành theo dọc tuyến nên lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 1A vẫn tiếp tục gia tăng.
Mục tiêu xây dựng đường Hồ Chí Minh không chỉ là đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt, mà còn là phát triển cơ sở hạ tầng làm tiền đề để từ đó các khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ được xây dựng dọc theo tuyến đường nhằm phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.
Còn hiện tại, trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh chưa có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp nên phương tiện giao thông sử dụng con đường này chưa nhiều cũng là lẽ đương nhiên.
* Thế còn những tuyến mà các khu công nghiệp, khu kinh tế đã hình thành rồi thì sao?
Lưu lượng giao thông trên tuyến Hà Nội - Thanh Hoá đã tăng gấp 3-4 lần so với thời kỳ đầu mới đưa vào sử dụng đã góp phần chia sẻ rất lớn “gánh nặng” cho Quốc lộ 1A. Sắp tới, tuyến Láng - Hoà Lạc hoàn thành, thì lưu lượng giao thông qua tuyến này sẽ tăng mạnh.
Còn vài năm nữa, lưu lượng giao thông qua tuyến Thanh Hoá - Quảng Bình - Quảng Trị; Ngọc Hồi - Tân Cảnh sẽ tăng mạnh vì dọc tuyến này đã hình thành nhiều vùng kinh tế, đặc biệt là các khu vực trồng cây công nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư