Đường cao tốc Bắc-Nam sẽ xong năm 2020 nếu vay được tiền

Cập nhật 25/10/2011 09:15

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 nếu Việt Nam tìm đủ các khoản vốn vay.


Đường cao tốc Bắc-Nam là công trình ưu tiên vay vốn hàng đầu của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh:TL
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 nếu Việt Nam tìm đủ các khoản vốn vay.

“Chính phủ đã quyết định đầu tư cho dự án này nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển. Nhưng nếu tình hình phân bổ ngân sách kém đi thì từ nay đến năm 2020 không thể có đường bộ cao tốc Bắc Nam”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói tại cuộc thảo luận tổ Quốc hội ngày 24-10 về Báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011 và dự toán ngân sách năm 2012.

Ông Thăng nói một đất nước muốn phát triển thì không thể không có đường bộ cao tốc và nếu vay đuợc tiền để đầu tư vào hạ tầng giao thông, cần tiếp tục đi vay để hoàn thành các dự án.

Ông Thăng nói: “Nếu vay được tiền đầu tư thì tiếp tục vay và từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn tất việc xây dựng đường cao tốc”. Ông bày tỏ quan ngại rằng với tiến độ đầu tư nhỏ giọt như hiện nay, ước tính đến năm 2015 chỉ hoàn thành được 600 km/hơn 2.000 km toàn tuyến.

Ông Thăng cho biết, trong chuyến công tác tại Trung Quốc mới đây, ông biết rằng Trung Quốc mỗi năm làm từ 4.500 km đến 5.000 km đường cao tốc, trong khi Việt Nam có một đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình vài chục cây số trên trục Bắc-Nam khởi công từ năm 2005 đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Do vậy, Bộ trưởng Thăng nói càng làm sớm đường cao tốc thì càng tiết kiệm được thời gian và chi phí, để tương lai sau này không phải đầu tư. "Vấn đề hàng đầu là phải quản lý tốt đồng vốn vay và quyết liệt để thực hiện bằng được mục tiêu năm 2020 phải có đường cao tốc Bắc-Nam phục vụ phát triển kinh tế”, ông nói.

Trong dự toán ngân sách năm 2012 mà Chính phủ dự kiến, tỷ trọng đầu tư công sụt giảm khá mạnh từ mức 44,3% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 39,5% đến 40,3% năm 2012. Trong đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu có tỷ trọng giảm lớn nhất và hầu hết các dự án hạ tầng giao thông đều lấy từ các nguồn vốn này.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG