UBND TP.HCM chỉ đạo: Quận, huyện cần căn cứ vào Nghị định 84 để giải quyết cho người dân được quyền sử dụng số đất dôi ra.
UBND TP.HCM chỉ đạo: Quận, huyện cần căn cứ vào Nghị định 84 để giải quyết cho người dân được quyền sử dụng số đất dôi ra.
Đầu năm 2008, Báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Hợp thức hóa đất ngoài chủ quyền: Ông cho, bà buộc!” phản ánh một số quận đã lúng túng khi tiếp nhận những hồ sơ có diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích ghi trên giấy chủ quyền cũ. Đây cũng là dạng hồ sơ mà vừa qua ông Bùi Bắc (chấp hành viên Thi hành án TP.HCM) đã nhận làm với mức thù lao lên đến 80.000 USD.
Mới đây, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã ký công văn cho phép UBND quận 1 và các quận, huyện khác giải quyết những hồ sơ trên theo hướng công nhận toàn bộ số diện tích đất mà người dân đang sử dụng.
Đất sử dụng ổn định
Như đã phản ánh, ông Bành Kim (ngụ quận Bình Tân) đã gặp khó khi xin cấp “giấy hồng” cho toàn bộ diện tích nhà, đất đã sử dụng trong nhiều năm nay. Tháng 8-2007, ông Kim mua hợp pháp căn nhà 161/25 Cô Giang, quận 1. Theo hồ sơ thì căn nhà có diện tích đất hơn 62 m2 nhưng trên thực tế thì diện tích đất rộng hơn 100 m2 (tức có hơn 38 m2 đất chưa được ghi nhận trên giấy chủ quyền). Đây là số đất mà chủ cũ đã sử dụng từ trước giải phóng, được thể hiện rõ trong hồ sơ kê khai nhà năm 1977, được sử dụng ổn định, không có tranh chấp.
Một tháng sau đó, ông Kim đã nộp hồ sơ đề nghị UBND quận 1 cấp “giấy hồng” theo hướng công nhận cả hơn 38 m2 đất nêu trên. Tuy nhiên, UBND quận 1 chỉ đồng ý cấp “giấy hồng” cho phần diện tích đất được ghi trên giấy chủ quyền cũ và không “nói năng” gì đến phần diện tích đất còn lại. Không đồng ý với cách xử lý này, ông Kim đã khiếu nại.
Gần đây, căn cứ vào đề xuất của Sở Xây dựng, UBND TP đã chấp thuận cho UBND quận 1 cấp “giấy hồng” cho ông Kim theo hiện trạng sử dụng và thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai.
Tương tự, chủ nhà 15C Đặng Dung, quận 1 cũng “nhẹ người” khi vừa nhận được công văn của UBND TP cho phép ông được cấp “giấy hồng” theo hướng công nhận toàn bộ số đất đang sử dụng. Nhà của ông cũng có nguồn gốc thuộc sở hữu tư nhân, có diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích ghi trên giấy chủ quyền được cấp trước đó. Đáng lưu ý, UBND TP còn yêu cầu Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện thực hiện việc cấp “giấy hồng” cho các trường hợp tương tự như nhà này, không cần xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP nữa.
Công nhận theo hiện trạng
Điều 18 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ đã có quy định về việc cấp giấy chứng nhận trong những trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu đã ghi trên giấy tờ đất. Nếu ranh giới thửa đất hiện nay không thay đổi so với thời điểm được cấp giấy tờ đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì người dân được cấp giấy chứng nhận. Bấy giờ, đương sự không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích nhiều hơn so với diện tích đất ghi trên giấy tờ đất.
Trường hợp ranh giới thửa đất có thay đổi so với trước đây và nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận diện tích nhiều hơn là do khai hoang hoặc “mua” của người sử dụng đất trước đó, đất đã được sử dụng ổn định và không có tranh chấp thì đương sự cũng được cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích thực tế. Tuy nhiên, người được cấp giấy phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất chênh lệch.
Được biết, cũng căn cứ vào quy định trên, UBND các quận 3, 5, 10, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh... đã dễ dàng giải quyết những hồ sơ xin hợp thức hóa diện tích đất ngoài chủ quyền khi hội đủ những điều kiện luật định. Người dân chỉ cần tường trình nguồn gốc đất dư và tự chịu trách nhiệm về nội dung khai nhận của mình...
Do Nghị định 84 có hiệu lực từ giữa năm 2007 nên thực ra hướng xử lý thống nhất như đã nêu trên của UBND TP không mới. Tiếc là UBND quận 1 và các nơi khác đã không cố gắng áp dụng quy định này để sớm giải quyết các hồ sơ đại loại nêu trên.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP