Dùng hợp đồng đặt cọc để lừa đảo?

Cập nhật 25/11/2013 11:05

Lợi dụng mối quan hệ quen biết, một số đối tượng sẵn sàng làm hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ và không ngần ngại ghi rõ số chứng minh nhân dân (CMND), số hộ chiếu, sổ hộ khẩu cùng bản phô tô để tạo lòng tin với người có nhu cầu mua căn hộ rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc một cách đơn giản.

Lợi dụng mối quan hệ quen biết, một số đối tượng sẵn sàng làm hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ và không ngần ngại ghi rõ số chứng minh nhân dân (CMND), số hộ chiếu, sổ hộ khẩu cùng bản phô tô để tạo lòng tin với người có nhu cầu mua căn hộ rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc một cách đơn giản.

Trường hợp ông Dương Kim Cường (trú tại khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội)  là một ví dụ.

Ông Cường cho biết, do quen biết vì cùng ở trong khu đô thị Ciputra, ngày 5/8/2011 bà Nguyễn Thị Thu  (sinh ngày 31/8/1964, đăng ký hộ khẩu thường trú tại 124 ngõ Hàng Cỏ, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội; số CMND 011141441 Công an Hà Nội cấp ngày 28/9/2010) chủ động gọi điện mời ông Cường đến tòa nhà G3 khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ và giới thiệu là nhà mình.

Hôm sau, bà Thu tiếp tục gọi điện cho ông nói đang rất cần bán căn hộ chung cư phòng 608 P1 khu đô thị Ciputra, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội mà bà mua lại của ông Lê Quốc Long.

Đang có nhu cầu mua căn hộ, ngày 8/8/2011 sau khi bà Thu gọi điện cho biết ông Long đi vắng không làm hợp đồng công chứng ủy quyền được và tin tưởng bà Thu là chủ căn hộ chung cư phòng 608 P1 khu đô thị Ciputra, Xuân Đỉnh, Từ Liêm nên ông Cường đã làm hợp đồng đặt cọc 300 triệu đồng cho bà Thu. Đến ngày 10/8/2011, bà Thu đến gặp và cho biết: Do tỷ giá đồng USD tăng, yêu cầu ông đặt cọc thêm 200 triệu đồng.

Sau khi viết và ký nhận tiền, bà Thu hứa đúng hẹn theo hợp đồng sẽ làm thủ tục ủy quyền, chậm nhất là ngày 25/8/2011. Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi bằng điện thoại cũng như gặp trực tiếp, bà Thu vẫn cố tình không thực hiện theo hợp đồng và trốn tránh không trả tiền.

Sổ hộ khẩu, CMND và hộ chiếu của bà Thu phô tô kèm theo hợp đồng đặt cọc

Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, ông Cường đến nhà G3 khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ thì được biết đây là nhà bà Thu thuê và đã chuyển đi nơi khác. Đến 124 ngõ Hàng Cỏ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, được biết bà Thu cũng không ở đây, bà ở đâu thì không ai biết và cũng không liên lạc được với bà Thu theo số điện thoại cũ. Tìm hiểu thêm về căn hộ chung cư phòng 608 P1 thì được biết, căn hộ trên ông Long đã bán cho người khác chứ không phải bán cho bà Thu.

Biết chắc mình đã bị lừa, ông Cường đành phải làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo hành vi lừa đảo của bà Thu. Tuy nhiên, việc có tìm được bà Thu và lấy lại được số tiền 500 triệu đồng hay không là điều không đơn giản. Có lẽ đây là bài học cho không ít người khi có nhu cầu mua căn hộ chỉ thông qua mối quan hệ quen biết, qua sự giới thiệu không đáng tin cậy.

Luật sư Nguyễn Trung Thành, Cty Luật TNHH Hòa Lợi cho rằng:

Nếu hành vi, thủ đoạn gian dối của bà Thu như nêu trên, mặc dù căn hộ chung cư phòng 608 P1 khu đô thị Ciputra, Xuân Đỉnh, Từ Liêm không phải là của mình, nhưng bà Thu vẫn tự nhận mình là chủ sở hữu để bán cho ông Cường và thu tiền đặt cọc 500 triệu đồng. Khi ông Cường phát hiện căn hộ chung cư này không phải của bà Thu mà là của người khác, ông Cường đã liên hệ để đòi lại tiền nhưng bà Thu đã bỏ trốn, không liên hệ được và bà Thu không trả tiền cho ông Cường. Hành vi của bà Thu có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Do đó, hành vi này cần được cơ quan pháp luật vào cuộc để ngăn chặn, đảm bảo kỷ cương, pháp luật.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật Việt Nam