Đua tiến độ để "tiêu" gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 16/12/2013 13:18

Nhiều dự án nhà ở xã hội bắt đầu được triển khai nhanh... là cơ sở để ngân hàng có thể đẩy mạnh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trong năm 2014.

Nhiều dự án nhà ở xã hội bắt đầu được triển khai nhanh... là cơ sở để ngân hàng có thể đẩy mạnh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trong năm 2014.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, thực hiện việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ - CP (ngày 7/1/2013) của Chính phủ.
 

Khu nhà thương mại giá thấp (11 - 12 triệu đồng/m2) của Viglacera tại Gia Lâm, Hà Nội

Đến thời điểm này, các ngân hàng đã cam kết cho 1.256 khách hàng vay, với tổng số tiền 1.562 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho khách hàng, với tổng dư nợ 470,8 tỷ đồng. Như vậy, số tiền được giải ngân đến thời điểm này mới chỉ chiếm 1,5% gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân chính của việc chậm giải ngân này là do nguồn cung nhà xã hội ít; có rất ít nhà ở thương mại có mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2/căn hộ... Tuy nhiên, tiến độ giải ngân năm 2014 sẽ khác, khi hàng loạt dự án được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

“Sau 1 năm kể từ khi Nghị quyết 02/NQ - CP của Chính phủ ra đời, hàng chục dự án sau khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đây chính là cơ sở để các ngân hàng giải ngân gói tín dụng ưu đãi này”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 30/11/2013, trên địa bàn cả nước đã có khoảng 167 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Trong đó, có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 34.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). 22 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 6.000 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 8.320 căn hộ.

Có thể kể đến một số dự án lớn, như Dự án Nhà ở an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp TNHH một thành viên (Becamex IDC Corp), đã hoàn thành 4.700 căn; Dự án Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do Tổng công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển đô thị va khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) đã hoàn thành hơn 2.000 căn…

Ở phía Bắc, các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Viglacera, Sông Đà và cả các doanh nghiệp tư nhân cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Mạnh mẽ nhất phải kể đến các dự án nhà ở xã hội của Viglacera tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) và Khu đô thị Xuân Phương (huyện Từ Liêm). Hơn 1.200 căn hộ tại Đặng Xá và hơn 900 căn hộ tại Xuân Phương dự kiến được Viglacera hoàn thành vào quý I/2104, khách mua nhà có thể hy vọng vào gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lê Ngọc Ước, Giám đốc Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera cho biết, hàng chục khách hàng đã vay được vốn từ MHB, VietinBank để mua nhà ở tại Đặng Xá trong năm 2013. Số lượng này sẽ còn tăng đáng kể trong năm 2014, khi Khu nhà ở N05 tại Đặng Xá bàn giao nhà cho khách hàng.

Ông Nghiêm Văn Bang, Chủ tịch HĐQT HUD cho biết, phát triển các dự án nhà ở xã hội là hướng đi chủ đạo của HUD từ nay đến năm 2020. Trước mắt, HUD đã khởi công tại Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngoài ra, đơn vị này cũng đang làm thủ tục triển khai các khu nhà ở xã hội tại Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh), Nam An Khánh mở rộng khu 3, Tân Lập (huyện Hoài Đức), Giang Biên (quận Long Biên), Kiến Hưng (quận Hà Đông), Đại Áng (huyện Thanh Trì)..., với khoảng 20.000 căn hộ, trong đó giai đoạn 2013 - 2015 xây dựng khoảng 5.000 căn hộ. Các dự án này sẽ tạo ra một nguồn cung đáng kể các căn hộ giá rẻ trên thị trường mà người có nhu cầu có thể mua được dựa vào nguồn tín dụng ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), bước chuyển đáng ghi nhận của

thị trường bất động sản trong năm 2013 là sự thay đổi trong tư duy của các chủ đầu tư dự án về phân khúc nhà ở xã hội. “Thay vì những căn hộ cao cấp, giá bán cao, thì nay doanh nghiệp đã tập trung chủ yếu vào xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ hơn, giá thành thấp hơn, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Những người thu nhập trung bình như công nhân khu công nghiệp, người nghèo đô thị, viên chức nhà nước... lần đầu tiên có hy vọng sở hữu một căn hộ, dù phải trả góp trong một thời gian dài”, ông Hà nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư