Dự luật thuế nhà, đất: Liệu có chệch mục tiêu?

Cập nhật 05/06/2010 09:10

Trong khi các đại biểu Quốc hội bận mổ xẻ với dự án Luật Thuế nhà, đất thì ngoài thị trường, bất động sản vẫn đang trải qua những cơn sốt bất thường. Lý giải điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhìn nhận:...

Trong khi các đại biểu Quốc hội bận mổ xẻ với dự án Luật Thuế nhà, đất thì ngoài thị trường, bất động sản vẫn đang trải qua những cơn sốt bất thường. Lý giải điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhìn nhận: các nhà soạn thảo đã không làm rõ được mục tiêu chính theo nguyên nghĩa của luật này.


Ông Đặng Hùng Võ: “Nếu không đánh thuế vào nhà, có lẽ nhà chung cư sẽ tăng giá hơn trước đây”

*Thưa ông, sau khi nghiên cứu Dự Luật Thuế nhà, đất và theo dõi phiên thảo luận tại Quốc hội, ông có cảm nhận ra sao?

Dường như chúng ta chưa làm rõ được mục tiêu chính của sắc thuế này ngay từ cách tiếp cận vấn đề, vì thế luôn có những ý kiến trái ngược nhau. Mỗi luật đều có mục tiêu chính để trả lời câu hỏi vì sao người dân phải đóng thuế này. Các quy định của luật phải tập hợp chung quanh mục tiêu chính đó. Trong những trường hợp cụ thể, giai đoạn cụ thể, một hoặc vài mục tiêu phụ có thể phát huy tác dụng hơn, được nhấn mạnh hơn, nhưng mục tiêu chính vẫn đóng vai trò chi phối. Nhiều ý kiến đã yêu cầu dự luật này phải mang quá nhiều trọng trách như: tạo công bằng giữa những người sử dụng đất, xóa bỏ đầu cơ, làm lành mạnh thị trường… Những điều đó đều cần thiết và đều đúng, nhưng không phải vì thế mà bắt người dân đóng thuế, đó chỉ là những mục tiêu phụ cần xem xét.

Ở nhiều nước đi trước chúng ta, gốc gác của luật thuế này không xuất phát từ sự mưu cầu bình đẳng về sử dụng đất, không phải để chống đầu cơ,... mà thực chất chỉ là gắn trách nhiệm của người sử dụng nhà đất với quyền lợi mà họ được thụ hưởng từ sử dụng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng do nhà nước đầu tư. Thuế nhà đất chính là sự đóng góp của người ở tại địa phương đó đang được thụ hưởng những tiện nghi do nguồn đầu tư khác mang lại. Mọi người đều biết rằng giá nhà đất phụ thuộc phần lớn vào điều kiện của hạ tầng, dịch vụ công cộng chung của khu dân cư đó. Như vậy, thuế đánh vào giá trị nhà đất nói lên được mức nghĩa vụ đóng góp để trả cho hạ tầng, dịch vụ công cộng đã xây dựng nên ở đó. Nói ví dụ, người dân ở Hà Nội, TPHCM hay những đô thị loại 1 được hưởng những tiện ích từ đường, cầu, trường học, y tế, trạm, điện, nước, thông tin... chất lượng cao, được xem những bộ phim bom tấn của Hollywood cùng thời điểm với cả thế giới… thì đương nhiên phải trả tiền cho những gì nhà nước đầu tư để mình được thụ hưởng. Khi luật được xây dựng theo hướng đó, người dân khu vực nào có hạ tầng phát triển thì phải đóng thuế nhiều hơn. Nếu không phải đóng thuế nhà đất hoặc đóng ở mức thấp thì có nghĩa là người ở các đô thị đầy tiện nghi cũng chẳng bị thiệt gì hơn những người ở vùng sâu, vùng xa; đó cũng chính là lý do kích thích luồng di cư từ vùng nông thôn nghèo khổ vào các đô thị chỉ có sung sướng. Nếu làm rõ được mục tiêu này thì người đóng thuế sẽ thấy được nghĩa vụ của mình, vui vẻ và tự nguyện thực hiện vì đó là sự đóng góp hợp lý, có thể còn mong được đóng thuế nhiều hơn!

Hiện nay, nhà nước ta xây dựng hạ tầng chủ yếu từ nguồn vốn vay ODA và nguồn ngân sách nhà nước. Nợ quốc gia từ vốn vay ODA đã lên mức khá cao mà hạ tầng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Nếu không có được thuế nhà đất theo đúng nghĩa thì vấn đề xây dựng và nâng cấp hạ tầng sẽ không có lời giải trong vài năm tới. Chính tại diễn đàn Quốc hội cũng đang nóng về vấn đề nợ công, về các siêu dự án để lại gánh nợ cho con cháu…

*Cách tiếp cận thuế thế này e rằng khó thuyết phục được người dân. Bởi thực tế không phải ai vốn dĩ ở đô thị đều có đủ khả năng chi trả cho những tiện ích công cộng. Không phải không có lý khi mức đóng thuế đóng thế nào cho khả thi, cho công bằng được cân nhắc lên xuống mãi, thưa ông?

Tôi đơn cử một ví dụ thế này để thấy sự vô lý trong chính sách hiện nay. Nhà nước vay vốn ODA để mở một con đường. Những người dân phải di dời nơi ở thì chỉ được hưởng mức bồi thường chưa thỏa đáng, thường giá đất thấp hơn giá thị trường, tức là một phần quyền lợi của họ đã phải đóng góp vào làm hạ tầng chung. Những người khác không bị thu hồi đất thì nghiễm nhiên được sử dụng hạ tầng mới đó mà chẳng mất thêm đồng nào. Điều này vừa vô lý, vừa tạo nên tính phức tạp trong tính toán bồi thường khi nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư hạ tầng còn hạn chế. Nếu luật thuế nhà đất tập trung vào mục tiêu thu nhận đóng góp của người đang sử dụng hạ tầng để trả lại cho vốn nhà nước đã đầu tư xây dựng hạ tầng đó thì vấn đề trở nên giản dị hơn, rõ ràng hơn và cũng minh bạch hơn.

Đương nhiên, điều kiện thu nhập của người dân mỗi người một khác, không nên đặt ra một mức tỷ suất thuế chung cho tất cả các địa phương. Tỷ suất thuế phải phù hợp với mức độ tiện nghi về hạ tầng của khu vực đó và cũng cần tính đến sự phù hợp với thu nhập thực tế của người dân ở khu vực. Nhiều ý kiến cứ băn khoăn rằng mức thuế như vậy e rằng không phù hợp với với điều kiện thu nhập của vùng nông thôn, miền núi. Về bản chất, có thể chỉ cần tập trung sắc thuế này đánh vào nhà đất ở các khu đô thị phát triển (có thể từ loại 3 trở lên), miễn thuế cho vùng nông thôn lạc hậu, vùng núi và giảm thuế cho các vùng còn lại. Hay nói cách khác, thuế nhà đất chỉ nên tập trung vào những khu vực có hạ tầng và dịch vụ công cộng tốt. Mức quan tâm giảm đi theo mức độ hạ tầng đã đầu tư. Cái lý của thuế này là như thế!

*Vậy ông bình luận thế nào khi dự luật đưa nhà ra khỏi diện chịu thuế?

Tôi cho rằng đây là bước thụt lùi của dự luật, càng bàn lại càng phức tạp thêm. Tất nhiên, khi đã nói đến cơ chế nộp thuế nhà đất là việc trả tiền cho việc sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng thì nhà và đất phải được coi là một thể thống nhất, có một giá trị chung để sử dụng. Nên đi theo hướng: giá trị thuế được tính bằng tỷ suất thuế nhân với giá trị nhà đất, tỷ suất được xác định theo mức diện tích sử dụng đất, mức diện tích sàn nhà.

Trong dự thảo Luật Thuế này đã đưa ra được một cách nhìn nhận khá tiến bộ là người sử dụng phần ngầm dưới đất thì phải nộp thuế với thuế suất bằng nửa thuế suất của tầng mặt đất. Trái lại, cư xử với phần trên không lại không tích cực được như cách cư xử với phần ngầm, những người sử dụng phần trên không lại chỉ phải nộp thuế theo kiểu chia đều với tầng mặt đất.

“Luật này (thuế nhà, đất) nếu có hiệu lực cũng chẳng tác động mấy đến thị trường, cho nên khó mà xóa được đầu cơ”

Chúng ta nên coi tất cả đều là tài nguyên để tạo nên nhà, cả phần mặt đất, phần ngầm dưới đất và phần trên không. Phần trên không là đang sử dụng tài nguyên không gian, vậy thì tại sao lại không phải nộp thuế? Tất nhiên mỗi loại phải có tỷ suất thuế khác nhau. Có hiểu theo cách như vậy mới thấy thuế nhà là hợp lý. Có ý kiến cho rằng nhà là tài sản riêng thì không phải nộp thuế, cách hiểu như vậy không đúng. Nếu có nhà và suốt ngày chỉ đóng cửa ở nhà, không đi ra ngoài đường thì không nộp thuế là hợp lý, nhưng làm gì có ai cả cuộc đời chỉ ở nhà mà không cần tới hạ tầng và dịch vụ công cộng.

*Nếu được thông qua, dự luật sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản? Liệu mục tiêu chấm dứt nạn đầu cơ có khả thi, thưa ông?

Luật này nếu có hiệu lực cũng chẳng tác động mấy đến thị trường, cho nên khó mà xóa được đầu cơ. Mức thuế không hợp lý, lũy tiến thấp thì làm sao chống được đầu cơ? Đáng lẽ thay vì đưa ra mức thuế suất chung cho cả nước, nên đưa ra mức thuế suất khác nhau phù hợp với các vùng, miền khác nhau.

Nếu không đánh thuế vào nhà, có lẽ nhà chung cư sẽ tăng giá hơn trước đây.

Xin cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp