Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hiện nay chưa thể hạn chế được các vụ khiếu kiện về đất đai, theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM.
Đất nông nghiệp có giá đền bù khi Nhà nước thu hồi quá thấp - Ảnh Tư liệu
|
Ngày 22-3, Hội đồng nhân dân TPHCM đã tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, với những quy định về chính sách thu hồi đất, giá bồi thường, tái định cư… như dự thảo thì không hy vọng giảm được các vụ khiếu kiện đất đai.
Thật vậy, theo bà Hương Lan, hầu hết các vụ khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai hiện nay là do giá bồi thường đất nông nghiệp quá thấp so với giá đất ở.
Thực tế, người có đất bị thu hồi bức xúc trước thực trạng: thu hồi theo giá đất nông nghiệp nhưng sau đó nó được bán ra theo giá đất ở. Thế nhưng, “những vấn đề này trong dự thảo luật không có gì mới so với các quy định hiện hành”, bà Lan nói.
Vì vậy, bà Lan đề nghị đưa vào dự thảo luật nguyên tắc xác định giá đất nông nghiệp: giá đất nông nghiệp bằng khoảng 20% giá đất ở.
Và từ thực tiễn khiếu kiện chủ yếu do thu hồi đất ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM cho rằng, dự thảo luật quy định “Nhà nước quyết định thu hồi là chưa ổn. Theo bà dự luật cần phải sửa lại theo hướng “Nhà nước quyết định thu hồi, trưng dụng, trưng mua…” và phải có quy định rõ ràng về “trưng dụng”, “trưng mua” để giảm áp lực cho người bị "mất đất".
Tái định cư cũng là vấn đề còn có bất cập lớn trong dự thảo, theo bà Tâm. Trước đây và hiện nay khi nói đến tái định cư chúng ta thường chỉ nghĩ đến việc xây dựng cho người dân mất đất cái chỗ ở (nhà); nhưng thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải đưa vào luật đất đai sửa đổi là việc bố trí tái định cư phải kèm theo tổ chức cuộc sống (kinh tế, xã hội, văn hoá, tín ngưỡng) cho những người bị thu hồi đất; đồng thời phải tiến hành điều tra xã hội học trước khi di dời cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, thừa nhận quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua rất phức tạp. Đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng thực tế, thời gian qua, nhiều chỗ, nhiều nơi nhà nước chưa quản lý tốt. “Hiện còn có nhiều diện tích đất người dân đang sử dụng nhưng nhà nước chưa quản lý được; trong khi dự luật lần này cũng chưa quy định rõ ràng, cụ thể vấn đề này”, ông nói.
Tại hội nghị các đại biểu còn mổ xẻ nhiều vấn đề khác như bảng giá đất, giá đất như thế nào là sát thị trường, việc thu hồi đất cấp nào ra quyết định, cấp nào ra quyết định cưỡng chế…..?
Dự kiến, cuối tháng 3, chính quyền TPHCM sẽ tổng kết các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và gởi cho trung ương. Tuy nhiên, vì Hiến pháp đang được sửa đổi (có nhiều điều khoản liên quan đến đất đai) nên, theo một quan chức của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chính quyền thành phố sẽ kiến nghị dời thời gian thông qua Luật Đất đai sau khi Hiến pháp mới được ban hành.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG