Vào mùa cao điểm của khách du lịch và khách thương gia quốc tế đến Việt Nam hiện nay, các hãng lữ hành ở Hà Nội lại đang đau đầu với bài toán...
Vào mùa cao điểm của khách du lịch và khách thương gia quốc tế đến Việt Nam hiện nay, các hãng lữ hành ở Hà Nội lại đang đau đầu với bài toán thiếu phòng ở cao cấp - một lý do khiến doanh thu của họ sụt giảm.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết, khách đến Hà Nội thời gian này rất khó thuê được phòng, bởi từ 2 tháng nay, công suất sử dụng phòng của một số khách sạn cao cấp luôn đạt trên 90%, cho dù giá phòng trung bình lên tới xấp xỉ 160 USD/ngày đêm, các phòng hạng VIP còn có giá cao hơn.
Theo khảo sát của Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, trong quý 3/2008, giá thuê phòng trung bình tại các khách sạn 5 sao của Hà Nội đã tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ chiếm chỗ trung bình của khách sạn loại này luôn ở mức cao.
Hiện tượng “cháy” phòng khách sạn cao cấp vào dịp cuối năm cũng đã làm cho không ít hãng lữ hành lao đao, nhiều khi không đặt được phòng nghỉ cho khách đành phải hủy hợp đồng. Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho đây là một lý do chính khiến lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội thời gian gần đây sụt giảm mạnh.
Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế ASEAN, ông Tuấn Trung, cho biết hiện công ty đã nhận khá nhiều hợp đồng của du khách nước ngoài, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoại đang vào thời điểm “đổ bộ” vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh, nhưng “nếu tình trạng thiếu hụt phòng khách sạn cao cấp tiếp tục kéo dài, chắc chắn sẽ rất khó khăn để thực hiện hợp đồng và doanh thu sẽ sụt giảm”.
Bên cạnh tác động khó khăn của nền kinh tế toàn cầu khó, việc thiếu phòng ở cao cấp và giá phòng cao cũng được cho là một nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có Hà Nội, theo đà giảm sút. Chín tháng đầu năm nay, số khách quốc tế đến Hà Nội đạt 960.000 người, chỉ tăng xấp xỉ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 8 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao đang hoạt động, 27 khách sạn 3-4 sao với tổng số khoảng 5.000 phòng. Hầu hết các khách sạn này đều hoạt động với công suất thuê phòng khá cao, đặc biệt là vào mùa cao điểm khoảng 85-95%.
Dự kiến đến năm 2010, Hà Nội sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khi đó sẽ cần khoảng 7.000 phòng tiêu chuẩn 4, 5 sao. Thế nhưng, với các dự án mới được cấp phép và chấp thuận đầu tư gần đây, đến năm 2010, Hà Nội mới có thêm khoảng 2.000 phòng khách sạn cao cấp.
Hiện nay, với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, Hà Nội đang đón nhận nhiều dự án xây dựng khách sạn cao cấp với quy mô khá lớn. Chẳng hạn như Tập đoàn Accor (Pháp) vừa chính thức khởi công khách sạn thứ 5 của mình tại Hà Nội là Novotel Hanoi on the Park, nơi được xem là “khu resort trong lòng thành phố” và là điểm tổ chức hội nghị hàng đầu tại Hà Nội. Hay loạt dự án lớn tập trung chủ yếu quanh khu Trung tâm hội nghị Quốc gia, trên đường Phạm Hùng, Mỹ Đình của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo tính toán, sẽ có ít nhất 2,5 tỷ USD được đổ vào bất động sản ở Hà Nội trong 5 năm tới với những dự án của nhiều tập đoàn quốc tế lớn về kinh doanh khách sạn.
Những dự án này khi được đưa vào hoạt động, theo dự báo của giới chuyên gia, chắc chắn sẽ giảm “sốt” cho thị trường khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, tình trạng khan hiếm sẽ vẫn là phổ biến.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN