Dù giao dịch giảm, giá vẫn cao

Cập nhật 24/02/2008 08:00

Theo kết quả khảo sát giao dịch địa ốc tại một số trung tâm môi giới, trong tuần qua tại TP.HCM, lượng đất nền rao bán tăng lên đột ngột 15%...

Theo kết quả khảo sát giao dịch địa ốc tại một số trung tâm môi giới, trong tuần qua tại TP.HCM, lượng đất nền rao bán tăng lên đột ngột 15%, giá vẫn cao trong khi số vụ giao dịch giảm hẳn, chỉ bằng 15 - 20% so với trước Tết.

Quận 2, 9: Thưa thớt người mua

Sau khi báo chí thông tin về việc các ngân hàng siết lại khoản cho vay tín dụng bất động sản (BĐS), chúng tôi đến Q.2, Q.9 – nơi giá nhà đất trong thời gian trước đó tăng đến chóng mặt – để tìm hiểu về tình hình giao dịch tại đây. Dọc theo tuyến đường Trần Não, vòng qua Lương Định Của (Q.2), xuống đến Nguyễn Duy Trinh (Q.9), không khí giao dịch nhà đất không còn sôi động như thời điểm trước Tết. Giá đất được rao bán tại các dự án thành phần của các Công ty Huy Hoàng, Công ty công nghiệp Sài Gòn, Công ty phát triển nhà Phú Nhuận thuộc Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) vẫn ở mức bình quân từ 32 – 40 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch rất chậm. Tại Trung tâm môi giới địa ốc A.K.T.V, thỉnh thoảng mới có một vài vị khách đến, chủ yếu là để rao bán số đất nền mới mua trong vài ba tháng trước đó.

Anh Nguyễn Công Huy - một nhà đầu tư địa ốc - cho biết: “Nghe tin sẽ có nhiều người không được vay mua BĐS nữa, sợ giá đất xuống tôi phải rao bán 2 nền đất tại dự án của Công ty Trường Thịnh mới mua hồi tháng 8.2007 với giá 16 triệu đồng/m2”. Hỏi giá rao bán, anh Huy nói: “Tôi quyết định bán lại với giá 16,5 triệu đồng/m2. Nếu ai mua, bán ngay. Nếu không, bán bằng giá vốn cũng được”.

Nhiều người khác bán lại nền đất tại các dự án của Công ty Gia Hòa, Nam Long, Đông Dương thuộc các phường Phú Hữu, Phước Long (Q.9) tăng hơn so với giá mua trong năm 2007 khoảng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/m2, nhưng cũng ít hy vọng bán lại được vì giá đã quá cao, trong khi người mua lại rất ít. Chẳng hạn, giá đất tại dự án Công ty Gia Hòa nằm trên trục đường nội bộ từ 12 – 16m  hiện được rao bán với giá từ 13 –18 triệu đồng/m2 (tùy theo vị trí, mặt tiền đường rộng hay hẹp) và hiện có khoảng 16 nền được rao tại 3 trung tâm môi giới trên đường Trần Não, nhưng trong tuần qua vẫn không có khách mua.

Khu Nam Sài Gòn bớt nóng

Dọc theo trục đại lộ Nguyễn Văn Linh, giao dịch nhà đất cũng đã bớt nóng dù giá vẫn cao ngất ngưởng. Sáng 20.2, nhân viên một trung tâm môi giới chào bán cho chúng tôi hai nền đất thuộc dự án Him Lam bên cầu Kênh Tẻ (thuộc Q.7) với giá 50 và 54 triệu đồng/m2. Nhân viên môi giới giải thích: “Do hai nền đất này nằm ở hai trục đường nội bộ có chiều rộng khác nhau nên giá chênh lệch 4 triệu đồng/m2”.

Nhìn vào bảng giá rao bán các dự án tại khu Nam Sài Gòn, chúng tôi không khỏi giật mình. Trong số 9 dự án do các nhà đầu tư thứ cấp rao bán tại đây, giá đất nền dự án thấp nhất cũng đã 24 triệu đồng/m2 (dự án Nam Long, phường Phú Thuận), những dự án còn lại giá đều ở mức từ 35 - 55 triệu đồng/m2 (các dự án Trung Sơn, Kim Sơn, Phú Mỹ, Vạn Phát Hưng...). Cá biệt, có một số nền đất nằm ở vị trí hấp dẫn trên trục đường 35m của dự án Him Lam đã vọt lên đến 98 triệu đồng/m2!

Ngăn việc “thổi” giá nhà đất lên quá cao

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hoàng Châu – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết: “Trước tình hình rất căng thẳng có khả năng xảy ra biến động trên thị trường bất động sản hiện nay, HoREA đã gửi lên Chủ tịch UBND TP.HCM và một số bộ, ngành bản kiến nghị 20 điểm. Những kiến nghị này nhằm tháo gỡ những vướng mắc trước mắt cũng như lâu dài đối với thị trường BĐS. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề cần phải đấu giá đất tại các dự án, về hạn mức nhà ở, về việc cho chủ đầu tư huy động vốn khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã nộp tiền sử dụng đất, có phương án triển khai dự án khả thi...”.

Ông Châu nói thêm: “Đối với các dự án nhà ở có tính khả thi, ngân hàng không nên siết lại vốn vay tín dụng, vì như vậy sẽ khiến cho các dự án ngưng trệ, giảm nguồn cung cho thị trường. Đối với các khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà để ở nếu chứng minh được thu nhập và khả năng tài chính chi trả, cũng không nên siết lại khoản vay tín dụng, vì như vậy sẽ khiến họ khó khăn hơn. Điều cần làm là nên siết lại khoản vay tín dụng đối với những nhà đầu tư thứ cấp. Vì mức độ rủi ro từ những nhà đầu tư thứ cấp là cao nhất, đồng thời cũng để ngăn  lực lượng này “thổi” giá nhà đất lên quá cao so với giá trị thực”.



Theo Thanh Niên