Trải qua 2 năm đầy biến động hậu khủng hoảng tài chính nền kinh tế thế giới nói chung đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực về xuất nhập khẩu cũng như dòng vốn đầu tư...
Trải qua 2 năm đầy biến động hậu khủng hoảng tài chính nền kinh tế thế giới nói chung đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực về xuất nhập khẩu cũng như dòng vốn đầu tư. Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng liên đới giữa khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu với Châu Á nên cũng chịu ảnh hưởng khá nặng từ cuộc khủng hoảng tài chính này.
Dòng vốn chậm lại
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu tập trung và lĩnh vực bất động sản. Trong năm 2007 tổng số vốn FDI đăng ký là 8,5 tỷ đô la, đến năm 2008 là thời điểm nóng nhất của thị trường bất động sản số vốn đăng ký mới lên đến 24 tỷ đô la. Những quan ngại xuất hiện khi thị trường phát triển quá nóng và vốn tập trung vào một lĩnh vực sẽ có rủi ro khó lường. Và rốt cuộc cuộc khủng hoảng tài chính cũng diễn ra khởi đầu từ Mỹ với nguyên nhân chính là từ sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản, cơ chế quản lý tín dụng cho vay bất động sản quá lỏng lẻo.
Tính đến hết năm 2009 tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam cho riêng lĩnh vực bất động sản đã giảm hơn 2/3 so với năm 2008 xuống còn 7,6 tỷ đô la và tiếp tục giảm sâu trong năm 2010 (ước tính khoảng 4 tỷ đô la).
Hiện thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang cầm cự chờ thời, nhất là chờ những chính sách vĩ mô của nhà nước tác động lên nguồn tín dụng. Do đó chưa thể đưa ra nhận định rằng FDI năm 2011 sẽ lại khả quan như thời kỳ hoàng kim năm 2008.
Thị trường nào cho năm 2011?
Hai năm thử thách sức bền của các dự án căn hộ cao cấp, văn phòng hạng A, các chủ đầu tư đã bắt đầu đuối sức ở thị trường này vì sức mua ì ạch, thậm chí bằng không. Đó chính là lý do vì sao hầu hết các dự án được cấp phép mới trong năm 2010 đều nhắm vào thị trường căn hộ trung bình, căn hộ cho người thu nhập thấp và loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo thống kê những dự án mới cấp phép đầu tư triển khai giai đoạn cuối năm 2010 và sẽ triển khai năm 2011, dòng sản phẩm căn hộ thu nhập trung bình chiếm ưu thế lớn vì giá cả phù hợp với túi tiền của phần lớn những gia đình thu nhập trung bình khá ở Việt Nam. Ngoài ra, một số chủ đầu tư truyền thống cũng đang mở rộng sản phẩm sang bất động sản du lịch nghỉ dưỡng để nhắm tới lượng khách hàng doanh nhân, những người sẵn sàng tận hưởng và vẫn có thể đầu tư sinh lợi.
Thị trường văn phòng hạng A sẽ tăng trưởng chậm lại, các dự án sẽ được đầu tư theo hình thức phức hợp giữa văn phòng kết hợp khách sạn và căn hộ dịch vụ cho thuê để giảm thiểu rủi ro.
Mua bán và sát nhập sẽ tăng
Trong năm 2009, Kinh Đô chuyển nhượng toàn 50% cổ phần trong liên doanh phát triển dự án SJC Tower tại khu đất vàng Trung tâm thương mại Sài Gòn cũ để thu về 425 tỷ đồng.
Quỹ đầu tư VinaCapital đã bán 70% cổ phần tại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera thu về 8 triệu đô la, sau đó một tháng quỹ này cũng đã bán toàn bộ 50,1% cổ phần trong dự án cao ốc văn phòng hạng A tại trung tâm Quận 1 - TP.HCM.
Chủ đầu tư hai dự án căn hộ Prince và Princess tại phường Thảo Điền - Quận 2 - TP.HCM cũng đã bán hai dự án này cho quỹ đầu tư JSM Indochina với giá 26 triệu đô la để hợp nhất xây dựng thành một khu phức hợp.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã bán toàn bộ dự án Hoàng Anh An Tiến tại huyện Nhà Bè - TP.HCM với gần 1.000 căn hộ cho Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn BIDV.
Công ty Đất Xanh mua lại dự án Khu căn hộ Phú Gia Hưng Aparrtment tại quận Gò Vấp - TP.HCM thông qua hình thức mua đứt công ty TNHH Hà Thuận Hùng - chủ đầu tư dự án này.
Ngoài ra còn hàng loạt dự án tại Quận 2, Quận 7, Quận 9 đã được chủ đầu tư công bố tìm đối tác để chuyển nhượng lại dù đã được cấp giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng với quy mô lên đến hàng chục tầng.
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Kim Cương đã công bố hợp tác với Tập đoàn Parkson - Malaysia để quản lý, khai thác trung tâm thương mại Saigon Paragon.
Việc chuyển nhượng dự án thời gian qua mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của một xu hướng không mới. Khi thị trường tín dụng chưa có những thay đổi tích cực, nhà đầu tư và các cá nhân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay mua bán bất động sản thì các chủ đầu tư sẽ còn gặp khó trong thời gian tới. Và thị trường mua bán - sát nhập sẽ sôi động hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Saigonrealtime