Dự án xin chuyển đổi: Vừa làm vừa “chạy”

Cập nhật 03/07/2013 14:58

2 trong số 3 dự án nhà ở xã hội được rầm rộ khởi công tại Hà Nội thời gian qua chưa được UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi.

2 trong số 3 dự án nhà ở xã hội được rầm rộ khởi công tại Hà Nội thời gian qua chưa được UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi.

Lãnh đạo các doanh nghiệp có dự án này thừa nhận đang “vừa làm vừa “chạy” thủ tục chuyển đổi”.

Lễ khởi công dự án Khu đô thị mới Sunny Garden City do CTCP Đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư

Không có tên cũng khởi công

Trong danh sách 21 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, cho đến thời điểm này, chỉ có Dự án khu nhà ở cao tầng Đô thị Sông Đà (giai đoạn 1) tại 143 Trần Phú, quận Hà Đông do CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (SDU) làm chủ đầu tư là đã có quyết định chính thức được chuyển đổi. Dự án này cam kết sẽ khởi công ngay trong tháng 6/2013, tuy nhiên, cho đến đầu tháng 7 này, vẫn chưa thấy chủ đầu tư động tĩnh gì. Trong Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2013 vừa qua, các cổ đông của SDU cũng đã biểu quyết thông qua phương án xin chuyển đổi 1 phần dự án này sang nhà ở xã hội, tuy nhiên, kế hoạch trong năm 2013 chỉ tập trung vào việc thực hiện xong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thiết kế và xin được giấy phép xây dựng.

Trong khi dự án duy nhất được cấp phép vẫn còn “nằm im” chờ thời thì liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2013, 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội đã được khởi công rầm rộ trước sự chứng kiến của lãnh đạo TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng và nhiều cơ quan chức năng khác. Đó là các dự án: Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm do HUD làm chủ đầu tư; Đặng Xá II do Viglacera làm chủ đầu tư và Khu đô thị mới Sunny Garden City do CTCP Đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, trong danh sách 21 dự án xin chuyển đổi của TP. Hà Nội, không có tên 2 dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm và Đặng Xá II.

Trả lời thắc mắc này, một lãnh đạo của Bộ Xây dựng cho biết, dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm đã được phê duyệt từ lâu nhưng nay mới triển khai, chứ không phải là dự án xin chuyển đổi. Riêng 2 dự án Đặng Xá II và Khu đô thị mới Sunny Garden City là các dự án xin chuyển đổi và đang chờ phê duyệt.

Xác nhận những thông tin trên là đúng, ông Nguyễn Đăng Minh, Giám đốc CTCP Tư vấn xây dựng Viglacera Land giải thích, “chắc TP. Hà Nội ‘quên’ không điền tên dự án của chúng tôi vào danh sách, chứ hồ sơ chúng tôi đã gửi từ lâu rồi”.

Trả lời câu hỏi vì sao chưa có quyết định được chuyển đổi mà Công ty đã tiến hành khởi công dự án, ông Minh khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng, dự án sẽ được phê duyệt, chỉ còn chờ hoàn thiện nốt vài thủ tục hành chính nữa là xong, vì vậy, Công ty mới khởi công lấy ngày. “Vả lại, khởi công sớm để còn ký kết với đối tác là ngân hàng cho vay vốn”, ông Minh nói thêm.

Cam kết cho vay cả dự án chưa được phê duyệt

Theo khảo sát của phóng viên cuối tuần qua, các dự án trên đúng là chỉ khởi công “lấy ngày” và sau đó chưa thấy có hoạt động xây dựng rầm rộ nào cho tương xứng với không khí của ngày khởi công, cũng như “kỳ vọng” của Chính phủ khi ban hành hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Qua câu chuyện trên, có 2 vấn đề đáng lưu ý. Thứ nhất, các doanh nghiệp đã xem nhẹ pháp luật khi chưa được phép chuyển đổi đã tiến hành khởi công dự án mang danh nhà ở xã hội. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng thì các dự án, công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan chức năng cấp thì mới được tiến hành khởi công.

Thứ hai, từ sai phạm trên có thể dẫn đến hệ lụy tiếp theo là các ngân hàng căn cứ vào đâu để ký kết cho các doanh nghiệp có dự án nêu trên vay hàng trăm tỷ đồng vốn vay ưu đãi 6% từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Trong khi người thu nhập thấp đang rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này vì những thủ tục chặt chẽ từ phía các ngân hàng đưa ra thì ngược lại, các doanh nghiệp lại rất dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này. Vì vậy, câu hỏi “có hay không lợi ích nhóm” trong sự việc này lại được dư luận đặt ra.

Và trong bối cảnh Hà Nội đang tiến hành thanh kiểm tra và ra quyết định thu hồi đất của hàng trăm dự án vi phạm trên địa bàn, trong đó có nhiều dự án bất động sản chậm triển khai, thì dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng, doanh nghiệp có dự án chậm tiến độ đang tích cực “tác động” để được vào danh sách dự án xin chuyển đổi nhằm tránh bị thu hồi, đồng thời tiếp tục được kéo dài thời gian dự án để chờ thời khi thị trường phục hồi.

Đã có chuyên gia cảnh báo về nguy cơ “chệch hướng” của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và với việc các dự án chỉ “khởi công lấy tiếng” nhà ở xã hội thì nguy cơ này đang đến nhãn tiền .        

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán