Trong khi các địa phương khác than trời vì vướng giải tỏa, đền bù đất khiến các dự án “rùa bò” thì ở Đà Nẵng có câu chuyện ngược lại: địa phương giao đất “sạch” cho nhà đầu tư...
Dự án Han Riverside vốn đầu tư 100 triệu USD, khởi công hồi tháng 3-2008 đến nay vẫn còn là khu đất trống - Ảnh: Việt Hùng. |
Trong khi các địa phương khác than trời vì vướng giải tỏa, đền bù đất khiến các dự án “rùa bò” thì ở Đà Nẵng có câu chuyện ngược lại: địa phương giao đất “sạch” cho nhà đầu tư, nhưng dự án cứ ì ạch khiến đất giao trở nên hoang hóa. Ì ạch nhất là các dự án ven biển từ Đà Nẵng đi Hội An.
Dự án “triệu đô” nhưng chỉ xây… tường rào!
Khi cầu Thuận Phước nối tuyến du lịch vịnh Lăng Cô qua con đường Liên Chiểu - Thuận Phước với tuyến đường ven biển thứ hai của thành phố là Sơn Trà - Điện Ngọc, khu vực du lịch bán đảo Sơn Trà trở nên hấp dẫn hơn.
Trong đó, khu du lịch Bai But Bay Resort nằm giữa rừng và biển, lại đầu tuyến đường du lịch Sơn Trà nên có vị trí cực đẹp. Trở lại khu du lịch này những ngày cuối tháng 7, quang cảnh dự án hoang vắng, cỏ cây và dương liễu mọc xanh rì! Cả dự án hoành tráng chỉ xây dựng được một nhà hàng sát biển để khách…nhậu.
Khu du lịch phức hợp Bãi Bụt do Công ty cổ phần Hải Duy làm chủ đầu tư khởi công hoành tráng ngày 30-4-2004 là dự án du lịch “khủng” ở bán đảo Sơn Trà. Dự án được giao 20ha đất liền và 10ha mặt biển, xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, khu resort nghỉ ngơi với khoảng 120 phòng đạt 4 sao, khu nhạc nước, xây dựng khu công viên - khách sạn gia đình, các dịch vụ thể thao biển như lặn, lướt ván, dù lượn, môtô nước… Thế nhưng đến giờ mọi thứ vẫn im lìm.
Xây tường rào giữ đất Dọc đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, đoạn qua quận Ngũ Hành Sơn, hàng nghìn hộ dân đã di dời nhường đất cho nhà đầu tư. Nhưng hiện hơn 10km dải biển này, nhiều dự án chỉ xây dựng tường rào để…giữ đất. Dự án khu du lịch Địa Cầu hơn 13ha, khu du lịch Hoa Trung 17ha, khu du lịch của Công ty CP đầu tư Đà Nẵng - Sài Gòn hơn 12ha, khu du lịch Fusion Maia, khu du lịch Kingdom Hotel 15,5ha, khu du lịch và biệt thự ven biển Anvie Đà Nẵng, khu du lịch Hoàng Anh Gia Lai 4,5ha, khu du lịch Sao Việt 12,7ha, khu du lịch Nam Khang 20ha, khu du lịch Tổng công ty Du lịch Hà Nội 7ha, P&I của một nhà đầu tư Nhật Bản 10ha, khu du lịch Công ty thương mại Hà hơn 15ha, khu nhà nghỉ sinh thái ven biển 5,3ha của Công ty Trường Phúc… Hạ tầng ven tuyến đường biển nơi đây được đầu tư xây dựng tốt nhưng các dự án vẫn án binh bất động. |
Phía đông cầu sông Hàn, hai dự án “khủng” nằm ở vị trí đắc địa ba mặt đường khởi công cuối tháng 3-2008, đến nay công trình vẫn chưa xây dựng. Dự án khu phức hợp thương mại Capital Square (Tập đoàn VinaCapital) diện tích 9ha, cao trên 40 tầng có vốn đầu tư 325 triệu USD. Đối diện là dự án Han Riverside (Công ty CP địa ốc Vũ Châu Long) gồm hai khối cao ốc 27 tầng với vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Dự án khu chung cư cao tầng Deawon (Hàn Quốc) nằm ở khu dân cư Tuyên Sơn, quận Hải Châu gồm 12 khối nhà cao từ 17-21 tầng trên diện tích 4ha, vốn đầu tư khoảng 87 triệu USD được cấp phép từ năm 2005 nhưng đến nay chỉ xây dựng được tường rào bằng tôn.
Rà soát và sẽ thu hồi
Theo ông Huỳnh Đức Đình - phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn - nhiều năm qua quận tập trung công tác giải tỏa đền bù, tái định cư để bàn giao đất “sạch” cho nhà đầu tư. Thế nhưng các dự án chậm triển khai đã gây khó khăn cho công tác quy hoạch, xáo trộn đời sống người dân và lãng phí tài nguyên đất đai.
Trước áp lực tái định cư cho dân giải tỏa các dự án du lịch ven biển, quận đã kiến nghị thành phố cho phép các hộ dân giải tỏa được ở lại tạm, khi nào chủ đầu tư có nhu cầu triển khai dự án thông báo trước 45 ngày để dân bàn giao lại đất. Ông Đình đề nghị thành phố rà soát lại năng lực các chủ đầu tư dự án, yêu cầu lộ trình triển khai xây dựng và kiên quyết thu hồi những dự án chậm, có dấu hiệu “xí phần”.
Ông Mai Đức Lộc - trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND TP Đà Nẵng - kiến nghị thành phố khẩn trương đánh giá hiệu quả các dự án khu du lịch ven biển đã được cấp phép nhưng triển khai thực hiện chậm.
Những dự án chậm triển khai đã làm cho vốn thu hút đầu tư Đà Nẵng giải ngân thấp. Hiện có 157 dự án đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư 2,6 tỉ USD nhưng mới có 95 dự án triển khai với vốn đầu tư 1,04 tỉ USD, tỉ lệ chỉ 40%. Ông Phùng Tấn Viết, giám đốc Sở KH-ĐT, cho hay việc các dự án chậm triển khai do nhiều nguyên nhân và thành phố cũng đã nhiều lần nhắc nhở.
Ông cho biết bức xúc trước tình trạng này, HĐND TP vừa chỉ đạo UBND TP lập đoàn kiểm tra các dự án ì ạch. Ông Viết cho hay đoàn sẽ làm rõ nguyên nhân dự án triển khai chậm, vừa kiên quyết nhưng cũng vừa hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn để thực hiện dự án đúng tiến độ.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO