Rất nhiều dự án BĐS trên địa bàn TPHCM hiện nay đang trong tình trạng sống dở, chết dở vì chủ đầu tư thiếu vốn, khách hàng không đóng tiền, ngân hàng ngưng cấp vốn, nhà thầu ngưng thi công, tranh chấp và kiện tụng giữa các bên rối như mớ bòng bong.
Rất nhiều dự án BĐS trên địa bàn TPHCM hiện nay đang trong tình trạng sống dở, chết dở vì chủ đầu tư thiếu vốn, khách hàng không đóng tiền, ngân hàng ngưng cấp vốn, nhà thầu ngưng thi công, tranh chấp và kiện tụng giữa các bên rối như mớ bòng bong.
Sống dở, chết dở
Cao ốc Saigon One Tower nằm tại góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1) do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C (Sài Gòn M&C) làm chủ đầu tư, là một trong những công trình tiêu biểu nhất về sự ngặt nghèo tài chính. Dự án khởi công năm 2009, thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công, với tổng mức đầu tư lên tới 256 triệu USD, dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Thiết kế dự án là tòa văn phòng và căn hộ hạng A.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa có chỉ đạo sau khi Thanh tra TP báo cáo kết luận thanh tra dự án Saigon One Tower (số 34 Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Theo đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường và Thanh tra TP làm việc với chủ đầu tư Sài Gòn One Tower là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C, yêu cầu công ty cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Nếu quá thời gian nêu trên dự án chưa hoàn thành, Sở Xây dựng TP báo cáo đề xuất trình UBND TP có biện pháp chế tài theo đúng quy định pháp luật. |
Nhờ có vị trí đắc địa nên giá bán căn hộ cao ốc Saigon One Tower từ 100-150 triệu đồng/m2. Thế nhưng 6 năm qua, kể từ ngày khởi công, hình hài Saigon One Tower siêu sang bên cạnh phố tài chính quận 1 vẫn chưa thấy đâu, mà chỉ là một khối bê tông nặng nề, u ám.
Nhà thầu đã nhiều lần ngưng thi công do dự án thiếu vốn. Việc cao ốc này ngưng thi công quá lâu giữa trung tâm TP khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi với dự án tầm cỡ nằm ở vị trí đất vàng như Saigon One Tower, trước khi cấp phép chắc chắn cơ quan thẩm quyền phải thẩm định năng lực tài chính rất kỹ.
Hơn nữa, trước khi thực hiện dự án, ngày 21-1-2009, giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Ngân hàng Đông Á và CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ và hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cho vay 133,5 triệu USD, trong đó số tiền cam kết cho vay của Vietcombank 110 triệu USD.
Tương tự, khu căn hộ Green Building tại đường Nam Hòa (phường Phước Long A, quận 9) do CTCP Đầu tư và Xây dựng số 8 làm chủ đầu tư cũng là dự án lập kỷ lục 7 năm sa lầy vì thiếu vốn. Khởi công từ năm 2007, dự án căn hộ Green Building có 3 block nhà cao 19 tầng (1 tầng hầm, 1 trệt và 18 lầu), với tổng số 471 căn hộ.
Đây là dự án chết đi sống lại nhiều lần, nay lại có nguy cơ tiếp tục... chết do chủ đầu tư không thể bàn giao căn hộ đúng hẹn cho khách hàng vì tài chính quá yếu. Căn cứ vào hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư đã vi phạm thời hạn bàn giao căn hộ lên đến 5-6 năm.
Theo ghi nhận ngày 26-3, chỉ có 1 blcok C đã hoàn thiện cơ bản và mới khoảng 20 hộ dân dọn đến ở, 2 block còn lại đang xây thô dang dở và không có dấu hiệu thi công bên trong công trường.
Vòng luẩn quẩn
Trong quá trình đi tìm hiểu các dự án trên, phóng viên đã tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng là đại gia mua nhà để đầu tư, những người mua nhà có điều kiện kinh tế eo hẹp, chắt chiu từ đồng lương ít ỏi và phải vay vốn ngân hàng vì nhu cầu nhà ở quá bức thiết. Nhưng dù đứng trên góc độ nào, họ đều là những người thiệt thòi, bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng.
Cuối năm 2014, anh Tr., một khách hàng mua căn hộ tại Cao ốc Saigon One Tower, cho biết đã làm thủ tục thanh lý hợp đồng vì chủ đầu tư không xác định được thời gian cụ thể bàn giao căn hộ. Để cứu vãn tình thế, chủ đầu tư đồng ý mua lại căn hộ anh Tr. đã mua (giá trị trên 15 tỷ đồng). Thế nhưng, sau nhiều lần chầu chực ở trụ sở chủ đầu tư đòi tiền, vị khách hàng này vẫn phải ra về trong vô vọng. Hiện anh Tr. đang kiện chủ đầu tư ra tòa.
Quay trở lại chung cư Green Building, số phận của hàng trăm hộ dân sau nhiều năm chờ đợi được nhận căn hộ mình đã đóng tiền, nay chưa biết sẽ đi về đâu. Anh Huỳnh Đào Thiện Minh, một khách hàng cho biết tháng 7-2012, BIDV có đưa ra chương trình cho vay ưu đãi mua “căn hộ mơ ước” theo gói 4.000 tỷ đồng.
Tin tưởng ngân hàng, anh đã vay mua căn hộ Green Building vì dự án này nằm trong danh sách được BIDV tài trợ vốn. Đến nay anh Minh đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng. “Tôi mua căn hộ lúc chưa cưới vợ. Nay con tôi đã hơn 1 tuổi mà nhà vẫn chưa giao. Trong lúc mòn mỏi chờ “căn hộ mơ ước”, gia đình chúng tôi hiện phải thuê nhà trọ ở tạm 4 triệu đồng/tháng, cộng thêm việc phải trả tiền gốc lẫn lãi ngân hàng khoảng 8 triệu đồng/tháng” - anh Minh, than thở.
Theo anh Minh, nguyên nhân dẫn đến dự án Green Building chết do chủ đầu tư mất khả năng tài chính, xuất phát từ việc huy động tiền của khách hàng trong dự án này để đầu tư những dự án khác. Bên cạnh đó, trách nhiệm của BIDV trong việc chậm trễ giao nhà cho khách hàng rất lớn, bởi ngân hàng tài trợ vốn cho chủ đầu tư nhưng buông lỏng, không kiểm soát được chất lượng, tiến độ dự án. “Trong tháng 4 tới, gần 200 khách hàng mua căn hộ tại Green Building sẽ chính thức khởi kiện chủ đầu tư ra tòa” - anh Minh cho biết.
Cao ốc Green Building thi công 7 năm vẫn chưa xong do thiếu vốn.
|