Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km, nhưng hơn một chục năm qua, hơn 400 hộ dân (P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.Hồ Chí Minh) phải sống trong cảnh nhà cửa rách nát...
Người dân sống cùng rác rưởi, ô nhiễm nghiêm trọng suốt hơn 10 năm nay. |
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km, nhưng hơn một chục năm qua, hơn 400 hộ dân (P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.Hồ Chí Minh) phải sống trong cảnh nhà cửa rách nát, không nước máy, cơ sở hạ tầng tồi tệ, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong khi đó, dự án mở rộng Cảng Bến Nghé lại cứ "treo" hết năm này sang năm nọ.
Thành phố mà thua thôn quê
Dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3 được phê duyệt từ năm 1998, với tổng vốn đầu tư 9,8 tỉ đồng - trong đó đền bù giải toả 4 tỉ đồng. Mặc dù năm 2000, cơ quan thẩm quyền đã có quyết định thu hồi đất và cho cảng Bến Nghé thuê để đầu tư xây dựng mở rộng cảng giai đoạn 3. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, dự án vẫn cứ treo lơ lửng khiến cho hơn 400 hộ dân - với cả nghìn nhân khẩu, nằm trong khu vực bị ảnh hưởng sống trong cảnh "dở khóc dở cười".
Ông Đinh Văn Cây (ngụ số 19/2 đường Liên cảng A 5) bức xúc phản ánh: "Đường sá ngập nước, môi trường ô nhiễm, không được gắn đồng hồ nước, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở đây thiếu thốn đủ thứ. Nhà hư hỏng dột nát cũng không được phép xây dựng sửa chữa, vì địa phương cho rằng nằm trong diện quy hoạch giải toả. Trong khi đó, người dân đề nghị bồi thường sớm thì địa phương cũng như cảng Bến Nghé bảo chờ. Và chúng tôi mòn mỏi chờ hơn một chục năm rồi".
Với lý do nằm trong khu vực quy hoạch giải toả mở rộng cảng nên suốt nhiều năm qua, các đơn vị giao thông, cấp nước, thoát nước đều từ chối đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực dân cư tại đây.
Theo ghi nhận của PV, đường dẫn vào khu dân cư luôn đọng nước thải, cỏ mọc um tùm, rác rưởi tồn đọng làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Do không được đầu tư gắn đồng hồ nước để sử dụng nguồn nước máy, hầu hết người dân đều phải mua lại nước sạch từ các đại lý với giá 20.000 - 25.000 đồng/m3 (cao gấp 8-9 lần giá quy định).
Chậm triển khai, tiền đền bù tăng gấp 100 lần
Qua tìm hiểu của PV, việc chậm trễ triển khai dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3 là do từ năm 2000 (thời điểm có quyết định thu hồi đất), UBND Q.7 cũng như cảng Bến Nghé không tìm được quỹ đất phục vụ tái định cư đối với những hộ dân sau giải toả. Đến năm 2006, khi Q.7 tìm được quỹ đất phục vụ tái định cư thì phát sinh tăng tổng mức đầu tư của dự án lên đến 205 tỉ đồng (trong đó, chi phí đền bù giải toả khoảng 170 tỉ đồng - tăng gấp hơn 40 lần so với ban đầu). Tổng mức đầu tư tăng, cảng Bến Nghé phải cầu cứu vay nguồn vốn ngân sách TPHCM. Và từ năm 2006 đến cuối năm 2008, thành phố đã tạm ứng vốn ngân sách cho cảng Bến Nghé khoảng hơn 32 tỉ đồng, để chi trả đền bù cho các hộ dân.
Bà Nhữ Thị Hương (Đại biểu HĐND TPHCM, Trưởng ban Dân vận Q.7, người theo dõi sát dự án) cho biết: "Tính đến nay, quận chỉ mới vận động được 145/427 hộ dân di dời. Còn 300 hộ vẫn chưa đến bao giờ mới được đền bù di dời nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, vì đến nay, dự án điều chỉnh dự án cảng Bến Nghé vẫn chưa được phê duyệt".
Theo ông Trần Quang Phượng - GĐ Sở GTVT - trong quá trình triển khai thực hiện dự án, do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn và chính sách bồi thường thường xuyên thay đổi, làm cho dự án điều chỉnh nhiều lần nên tiến độ kéo dài. Hiện nay, cảng Bến Nghé đang tiếp tục điều chỉnh dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến 435 tỉ đồng, trong đó đền bù giải toả khoảng 400 tỉ đồng (tức tăng gấp 100 lần so với dự án được duyệt năm 1998). Tiến độ dự án hiện nay phụ thuộc vào nhà đầu tư - Cảng Bến Nghé.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Phượng cũng khẳng định, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên khó trả lời khi nào dự án mới hoàn thành.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho biết, thành phố sẽ làm việc trực tiếp với Cảng Bến Nghé về tiến độ thực hiện dự án. Nếu Cảng Bến Nghé không có đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án, thành phố sẽ xem xét thu hồi.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động