Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ, dự án treo, hay sự “chây ì” của nhà thầu khi thực hiện hợp đồng, là do công tác quản lý...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ, dự án treo, hay sự “chây ì” của nhà thầu khi thực hiện hợp đồng, là do công tác quản lý hợp đồng sau khi đấu thầu của các chủ dự án đang tồn tại nhiều bất cập, yếu kém.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Huy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về vấn đề này.
* Ông có nhận định như thế nào về thực trạng quản lý hợp đồng sau đấu thầu ở Việt Nam hiện nay?
Thực tế, qua tham luận của các đại biểu đại diện cho các ngành quản lý các dự án đầu tư tại hội thảo “Quản lý hợp đồng sau đấu thầu” ngày 24/10/2008 cho thấy, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay đều chậm trễ. Nguyên nhân chủ quan và khách quan của tình trạng này đã được phân tích, mổ xẻ tại hội thảo. Trong đó, năng lực quản lý hợp đồng sau đấu thầu hay quản lý nhà thầu đang còn nhiều yếu kém.
Lý do thì nhiều, cả yếu tố chủ quan và khách quan, có lý do của chủ đầu tư, có lý do của nhà thầu... Nhưng tôi cho rằng, có một lý do chính là sự “dung dị”, mỗi bên đều có sự “châm chước” cho nhau một ít.
Để quản lý hợp đồng sau đấu thầu tốt cần phải dựa trên pháp luật và các quy định chặt chẽ đã xác lập trên hợp đồng, với điều kiện hợp đồng phải có chất lượng tốt.
* Đang tồn tại thực tế, trong nhiều dự án thường có sự móc nối giữa nhà thầu với chủ đầu tư hoặc với cán bộ đấu thầu để giành dự án. Phải chăng, công tác đấu thầu của Việt Nam chưa thực sự minh bạch?
Hiện tại Luật Đấu thầu của Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng, nếu làm đúng theo luật sẽ không có sự chậm trễ hay không minh bạch trong triển khai dự án. Để chỉ ra các dự án không minh bạch trong khi thực hiện đấu thầu phải đến kiểm tra tận nơi và từng công việc cụ thể mới xác định được.
Nói chung chung, cảm nhận chung chung là không đủ thuyết phục và do đó dễ dàng bị phủ nhận.
* Với những trường hợp cụ thể việc cấm các nhà thầu vi phạm hợp đồng đã được Việt Nam xử lý như thế nào, thưa ông?
Gần đây chúng tôi có nhận một số thông báo của chủ dự án tại một số tỉnh về việc một số nhà thầu vi phạm quy chế đấu thầu. Các chủ đầu tư đã thực hiện việc cấm đấu thầu đối với nhà thầu vi phạm đó trong vòng hai năm trên địa bàn của tỉnh đó.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, nếu nhà thầu bị cấm tại tỉnh hay một ngành nào đó thì cũng đồng nghĩa có hiệu lực trên toàn quốc. Vì vậy, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn và thông báo việc đưa nhà thầu vi phạm vào danh sách bị cấm tham gia đấu thầu trên toàn quốc trên báo Đấu thầu và trên trang web về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những trường hợp hiếm hoi, thực tế có thể những trường hợp vi phạm còn nhiều hơn nhưng chưa bị xử lý một cách nghiêm minh theo pháp luật.
Nếu các địa phương, các chủ đầu tư thực hiện tốt quy định trên, đồng thời thực hiện công khai hóa thông tin trên các cơ quan thông tin đại chúng sẽ giúp các chủ dự án khác lường trước được các rủi ro là ký hợp đồng với nhà thầu không có năng lực.
* Để xảy ra những tình trạng trên, phải chăng năng lực thẩm định nhà thầu của các chủ đầu tư Việt Nam còn yếu?
Đúng vậy. Năng lực thẩm định của các chủ đầu tư Việt Nam với các nhà thầu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ do nhà thầu không đủ năng lực.
Tất cả các đối tác tham gia vào suốt quá trình đầu tư xây dựng cơ bản ở mọi khâu đều có vấn đề về năng lực ở những mức độ khác nhau, nhưng năng lực này không thể một sớm một chiều có thể cải thiện hay thay đổi được.
Năng lực chỉ có thể thay đổi và cải thiện tốt lên khi có các chế tài chặt chẽ, nếu như không có chế tài chặt chẽ thì các chủ đầu tư, các bên có liên quan sẽ mãi mãi hài lòng với hiện tại.
* Vậy, theo ông, để công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu đạt kết quả cao cần phải có những giải pháp như thế nào?
Tôi cho rằng cần phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát và có những chế tài chặt chẽ, rõ ràng. Những điều trong luật đã quy định, trong hợp đồng đã quy định thì các chủ đầu tư không nên nể nang hay nhân nhượng với đối tác.
Một trong những điều quan trọng khi thực hiện công tác kiểm tra: nếu phát hiện chủ đầu tư nào nhân nhượng sẽ phải đặt dấu hỏi tại sao lại có sự nhân nhượng và làm ngơ cho những lỗi của nhà thầu, tại sao lại cho tiếp tục thực hiện hợp đồng... Điều này đang là dấu hỏi đối với các chủ đầu tư Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy