Dự án Petrolandmark, “Thượng đế” ngồi trên đống lửa

Cập nhật 01/10/2014 08:43

Bỏ ra cả tỷ đồng những mong được sở hữu “căn hộ trong mơ”, nhưng hơn 4 năm qua, hàng trăm khách hàng của Dự án Petrolandmark (phường An Phú, quận 2, TP. HCM) vẫn chưa nhận được nhà. Các “Thượng đế” như ngồi trên đống lửa, còn chủ đầu tư thì thản nhiên công bố: hết vốn và nợ nần!

Bỏ ra cả tỷ đồng những mong được sở hữu “căn hộ trong mơ”, nhưng hơn 4 năm qua, hàng trăm khách hàng của Dự án Petrolandmark (phường An Phú, quận 2, TP. HCM) vẫn chưa nhận được nhà. Các “Thượng đế” như ngồi trên đống lửa, còn chủ đầu tư thì thản nhiên công bố: hết vốn và nợ nần!

Dự án Petrolandmark - Ảnh: Tăng Triển

Nỗi khổ mang tên Petrolandmark

Bốn năm qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ Dự án Petrolandmark nhiều lần căng băng rôn, khẩu hiệu trước trụ sở chủ đầu tư để đòi nhà, cũng như “đội đơn” tố cáo chủ đầu tư suốt từ Nam chí Bắc, nhưng mọi sự chẳng có chuyển biến gì. Hy vọng được giao nhà ngày càng mờ mịt, mà nguy cơ tiền mất, nợ mang lại rõ ràng hơn.

Theo phản ánh của một số khách hàng, vào khoảng đầu quý II/2011, họ ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Theo cam kết trong hợp đồng, chậm nhất là cuối năm 2011, chủ đầu tư tiến hành bàn giao nhà. Hồi đầu, chủ đầu tư còn khất lần khất lượt, nhưng đến giờ thì họ không còn hẹn ngày bàn giao.

Ông Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình, TP. HCM) cho biết, ông mua căn hộ vì thấy chủ đầu tư giới thiệu đây là dự án cao cấp, không chỉ thiết kế căn hộ đẹp với giá cả hợp lý, mà còn có các công trình tiện ích đi kèm như hồ bơi, nhà hàng, trung tâm thương mại, “mang đến cho khách hàng phong cách sống hiện đại và đẳng cấp”.

“Quả thực, khi tới thăm căn hộ mẫu, chúng tôi cũng nghĩ đây là căn hộ trong mơ của mình. Trong khi đó, chủ đầu tư cũng là doanh nghiệp có tên tuổi, nên chúng tôi không ngần ngại bỏ tiền ra mua. Nào ngờ…”, ông Tuấn than thở.

Ông Lê Xuân Hiếu (quận Gò Vấp, TP. HCM) cũng bức xúc cho biết: Đầu tháng 9/2011, đến thăm quan Dự án, thấy phần thô được thi công gần xong, lại nghe chủ đầu tư cam kết như đinh đóng cột là chậm nhất đến giữa năm 2012 sẽ giao nhà, nên gia đình ông gom góp, vay mượn khắp nơi để mua căn hộ tầng 10 với giá hơn 1,5 tỷ đồng và nộp luôn 2% phí bảo trì chung cư. Tổng cộng, ông Hiếu đã nộp cho chủ đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng, nhưng đến nay, căn hộ vẫn chẳng thấy đâu!

Khách hàng Dự án Petrolandmark họp để yêu cầu chủ đầu tư giao nhà - ẢNh: Tăng Triển

Ai là chủ đầu tư thực sự của Petrolandmark?

Petrolandmark gây tai tiếng trên thị trường như vậy, nhưng đến nay, ai là chủ đầu tư thực sự của dự án vẫn là điều nhiều người thắc mắc. Ngay cả người trong cuộc, những khách hàng của dự án này, khi trò chuyện với phóng viên Đầu tư Bất động sản, cũng tỏ ra khá mơ hồ về chủ đầu tư, người bảo đó là CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL), người lại nói đó là CTCP Bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land). Tìm hiểu mới thấy, quả thực, pháp nhân tham gia dự án này cũng hết sức lằng nhằng.

Theo Công văn số 143A/BC-PVC Land do CTCP Bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam gửi Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ngày 14/8/2014 báo cáo về tình hình Dự án Petrolandmark, tiền thân của dự án này là dự án văn phòng, chung cư An Phú, có nguồn gốc từ việc hợp tác đầu tư xây dựng và chuyển nhượng giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và CTCP Xây dựng số 4 (CC14) làm chủ đầu tư. Ngày 2/10/2006, PVN đã có Hợp đồng số 828/HĐKT - CC14 - ĐT nhận chuyển nhượng dự án này từ CC14 với mục đích đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Tập đoàn. Đến ngày 13/6/2008, PVN đã chuyển nhượng quyền lợi và nghĩa vụ của Dự án cho công ty thành viên là PVL, thay đổi mục đích đầu tư từ nhà ở biệt thự sang nhà cao tầng và đặt mua 300 căn hộ từ dự án này của PVL với giá ưu đãi.

Để thực hiện Dự án, từ năm 2007 - 2008, PVL đã thực hiện các công việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư… Riêng nội dung xin thẩm định, phê duyệt của cơ quan chức năng đã thực hiện thông qua ủy quyền của CC14. Tuy nhiên, hồ sơ xin phê duyệt dự án bị ách lại do không đáp ứng điều kiện (do thời điểm này, CC14 vẫn đứng tên chủ đầu tư dự án, nhưng chỉ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng). Để giải quyết vấn đề này, quý I/2009, PVL và CC14 thành lập CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam Phương Nam - PVPLS (nay là PVC Land), với vốn điều lệ 200 tỷ đồng; trong đó, CC14 đăng ký góp 102 tỷ đồng, chiếm 51% cổ phần, PVL góp 88 tỷ đồng, chiếm 44% cổ phần.

Sau đó, PVL mua lại toàn bộ cổ phần của CC14 theo giá trị thỏa thuận bồi thường chuyển nhượng dự án. Khi đó, vốn góp của Công ty mẹ PVL là 190 tỷ đồng/200 tỷ đồng, được xác định trên cơ sở tiền đất, lãi vay và chi phí khác liên quan đến dự án mà PVL đã thanh toán cho CC14.

Tới tháng 9/2010, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) nhận chuyển nhượng 100 tỷ đồng vốn cổ phần của PVL tại PVC Land. Tới tháng 12/2010, PVC Land chính thức trở thành đơn vị trực thuộc của PVC với tỷ lệ vốn góp của PVC là 40%. Ngày 10/6/2011, PVC tiếp tục nhận chuyển nhượng 5 triệu cổ phần PVC Land từ PVL và đến ngày 2/7/2012, PVC tiếp tục nhận chuyển nhượng 1,56 triệu cổ phần PVC Land từ PVL. Tới nay, tỷ lệ sở hữu của PVC tại PVC Land chiếm tới 76,35%.

Khách hàng Dự án Petrolandmark giăng băng rôn đòi nhà  - Ảnh: Tăng Triển

Chủ đầu tư ngập trong nợ nần

Theo báo cáo của PVC Land, Dự án Petrolandmark gồm 418 căn hộ, với tổng giá trị 1.028 tỷ đồng, đến nay đã bán được 412 căn, thu về 739,5 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo này, tính đến giữa tháng 8/2014, tổng giá trị đầu tư vào Dự án (gồm tiền mua đất, tư vấn đầu tư, xây lắp, thiết bị…) là hơn 892 tỷ đồng. Điều khó hiểu ở đây là, mặc dù tổng giá trị đầu tư chỉ khoảng 892 tỷ đồng, nhưng PVC Land báo cáo đã thanh toán tạm ứng cho các nhà thầu hơn 909 tỷ đồng!?

Cũng theo báo cáo của PVC Land, để tiếp tục đầu tư hoàn thiện Dự án, doanh nghiệp này cần số vốn lên tới 414,13 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tình trạng tài chính bi bét như hiện tại của chủ đầu tư, chưa biết đến bao giờ dự án này mới có tiền hoàn thành. Chỉ riêng tại Ngân hàng TMCP Liên Việt (Chi nhánh TP. HCM), tính đến ngày 13/8/2014, Công ty đang có khoản nợ quá hạn lên tới hơn 191 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Ngân hàng Liên Việt đã có đơn khởi kiện PVC Land ra TAND quận 1, TP. HCM để thu hồi các khoản nợ trên.

Càng đi sâu tìm hiểu, phóng viên càng phát hiện ra nhiều vấn đề. Không chỉ chủ đầu tư không có khả năng tài chính để hoàn thiện, mà thủ tục pháp lý của dự án cũng chưa được hoàn thiện. Mặc dù được xây dựng bề thế với 4 tòa cao ốc từ 17 - 21 tầng, nhưng Dự án vẫn chưa đóng tiền sử dụng đất. Có thể thấy, những rủi ro mà khách hàng Petrolanmark phải đối mặt là rất lớn.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản