Năm 1999, sau khi hoàn thành tuyến đường Trần Khát Chân, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái.
Năm 1999, sau khi hoàn thành tuyến đường Trần Khát Chân, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái.
Gần 10 năm đã trôi qua, dự án vẫn chưa được khởi công. Cùng với sự "im lìm" của dự án là cuộc sống tạm bợ, khổ sở của gần 800 hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng. Nhà nứt, mái sập, dột nát, lầy lội… nhưng người dân vẫn không được xây dựng, sửa chữa lại.
Chậm ngày nào, dân khổ ngày đó
Căn hộ đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà cụ Nguyễn Thị Thục, 91 tuổi đang sống cùng con tại ngôi nhà cấp 4 tại tổ 15, phường Thanh Lương. Ngôi nhà được cụ xây từ năm 1963 - 1964. Cụ cho biết, ngôi nhà xây hoàn toàn bằng cát, vôi chứ không có xi măng.
Căn nhà có những mảng tường lớn tróc vữa, ẩm thấp, trên nóc có nhiều viên ngói đã "bay" mất để lại những khoảng trống toang hoác. Cánh cửa được cụ Thục chằng néo bằng những thanh tre, tấm cót ép nhưng cũng không giấu được sự mục nát.
Cụ kể, trận mưa to vừa rồi, buổi tối con cái phải đưa cụ đi ngủ nhờ hàng xóm vì sợ nhà đổ. Gần như toàn bộ các hộ dân sống tại tổ dân phố 15, 16 của phường Thanh Lương đều thuộc diện sẽ bị giải phóng mặt bằng xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thông cũng chịu chung cảnh sống tạm bợ, nhếch nhác như hộ cụ Thục. Một căn nhà cấp 4 ngăn thành từng phòng bé xíu cho gia đình các con. Mỗi diện tích rộng chừng 9m2 phải chứa 4 người. Ngay phía sau nhà, cống lộ thiên của cả xóm chảy qua bốc mùi hôi thối.
Bà Thông tâm sự: "Có ai tưởng tượng được rằng đến thời đại này rồi mà chúng tôi vẫn phải sống tạm bợ, chui rúc chật chội thế này không? Con trai cả của tôi thấy nhà dột quá phải mua tấm nhựa, xây lại căn phòng. Thế mà còn bị nộp phạt vì nhà trong diện quy hoạch không được sửa chữa, xây dựng lại".
Không chỉ không được xây mới, việc nhập tách hộ khẩu cũng rất khó khăn. Đã nhiều lần người dân kiến nghị lên chính quyền cấp phường, cấp quận nhưng đều nhận được câu trả lời phải chờ đợi. Cả chục năm trời dự án vẫn không được khởi động với nhiều lý do. Gần 800 hộ dân cứ tiếp tục cuộc sống trong những căn nhà cũ kỹ, tạm bợ.
Chờ đến bao giờ?
Dự án xây dựng đường Vành đai I, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái có chiều dài 548,06m, điểm đầu tại ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân (Ô Đống Mác), điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái. Tuyến nhánh từ nút Ô Đống Mác đến phố Đông Kim Ngưu có chiều dài 277m.
Khi Dự án được lập năm 1999, vốn đầu tư cho tuyến đường này là 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm không được triển khai, khi dự án được "khởi động" lại vào năm 2007, số tiền này đã lên tới 400 tỷ đồng.
Một trong những lý do dự án chậm triển khai là năm 2005, UBND TP đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư từ Ban QLDA giao thông đô thị (GTĐT) Hà Nội sang Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn do Ban QLDA GTĐT đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở... song do số hộ di chuyển để triển khai dự án nhiều, đòi hỏi số căn hộ phục vụ tái định cư lớn, trong khi quỹ nhà của thành phố khó khăn, chưa bố trí được... nên thành phố không thể phê duyệt.
Đến năm 2007, một lãnh đạo Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn cho biết, dự án tiếp tục bị chậm triển khai. Nguyên nhân lần này là do tiến độ hoàn thành bàn giao công trình xây dựng nhà tái định cư tại hai khu B6 và B10 Nam Trung Yên của Ban QLDA đầu tư xây dựng khu đô thị Nam Trung Yên đến chưa hoàn thành.
Tính đến thời điểm này, mới chỉ có 2/6 khối nhà đã hoàn thiện, 4 khối còn lại mới xong phần xây thô, vẫn chưa có kinh phí hoàn thiện. Như vậy, người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi...
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt giá đất làm căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Quyết định này khá chi tiết để người dân đối chiếu và tính toán được mức bồi thường hộ mình được nhận.
Theo đó, các thửa đất ở vị trí 1 đường Trần Khát Chân (đoạn từ phố Huế đến ngã tư phố Lò Đúc - Kim Ngưu - đường Trần Khát Chân) có mức giá 25 triệu đồng/m2. Vị trí 1 phố Kim Ngưu 21 triệu đồng/m2. Vị trí 1 phố Lương Yên 19 triệu đồng/m2. Vị trí 2 phố Lương Yên 13,9 triệu đồng/m2.
Những thửa đất tiếp giáp với ngõ đi ra phố Lương Yên có mặt cắt ngõ từ 2,5m đến dưới 3,5m: 12 triệu đồng/m2. Các thửa đất ở vị trí 2 phố Kim Ngưu 14,4 triệu đồng/m2. Vị trí 1 đường Trần Khát Chân (đoạn Lò Đúc - Nguyễn Khoái được nối từ phố Kim Ngưu đến ngõ 71 đường đê Trần Khát Chân) 21 triệu đồng/m2; đoạn từ ngõ 71 phía bên phải đường Trần Khát Chân đi theo chiều từ phố Lò Đúc và phía bên trái đường Trần Khát Chân (tính từ vị trí hết phố Lò Đúc đến phố Lương Yên) 19 triệu đồng/m2.
Vị trí 1 phố Lãng Yên 16 triệu đồng/m2. Vị trí 2 phố Lãng Yên 12 triệu đồng/m2. Ngoài ra, các thửa đất ở mặt đường gom 5m chân đê Nguyễn Khoái áp giá 13,9 triệu đồng/m2...
DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân