Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, những hiện tượng như vốn FDI đổ quá nhiều vào bất động sản hay tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn đăng ký quá thấp cần phải được quan tâm...
Lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam thực chất đến đâu? (ảnh: LAD) |
Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, những hiện tượng như vốn FDI đổ quá nhiều vào bất động sản hay tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn đăng ký quá thấp cần phải được quan tâm, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trả lời báo VietNamNet ngày 6/8.
* Gần đây, nhiều dự án tỷ USD được cấp phép, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Cái ta cần không phải là vốn đăng ký được bao nhiêu, mà vốn thực hiện được hấp thụ thế nào cho nền kinh tế của ta. Tuy nhiên, tôi hơi ngạc nhiên khi vừa qua, chúng ta cứ công bố lên dự án 4 tỷ USD, 5 tỷ USD, 10 tỷ USD và to nhất là 11 tỷ USD như ở Phú Yên, dự án hoá dầu của nhà đầu tư Singapore. Rồi chúng ta đưa tin trên truyền hình rất hoành tráng.
Ông Trần Xuân Giá. |
Nhưng đến khi, họ xin dừng dự án, “chào chúng ta” sao mà nhẹ nhàng thế. Tôi thấy rất buồn cho chuyện đó và chắc rằng, người dân Phú Yên cũng chẳng được lợi gì từ dự án 11 tỷ USD đó.
Trong điều kiện nền kinh tế bình thường, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn đăng ký thấp thì không sao. Các Tập đoàn lớn, có uy tín, họ vẫn đi vay vốn Ngân hàng và triển khai dự án bình thường.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, khủng hoảng kinh tế, suy giảm kinh tế ở các nước thì điều đó rất đáng lưu tâm.
Khi mà tới gần 75% đều là vốn đi vay thì dĩ nhiên, trong tình hình tài chính này thì vay bên ngoài là không dễ. Hệ lụy là dự án đầu tư bị kéo dài lê thê, làm giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí phải ngừng đầu tư.
* Tuy nhiên, vốn đăng ký lớn chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, đó là điều tích cực?
- Đúng là môi trường đầu tư của ta đang có sức hấp dẫn so với nhiều nước. Tuy nhiên, với vốn đăng ký, theo tôi, chúng ta phải bóc tách rõ ràng hai khoản, đó là tỉ lệ thực hiện trên vốn đăng ký từ nước ngoài vào và tỷ lệ thực hiện trên tổng vốn đầu tư có phần tái đầu tư từ lợi nhuận phát sinh từ dự án.
Tất nhiên, chúng ta ủng hộ mạnh mẽ các nhà đầu tư dùng lợi nhuận của dự án để đầu tư trở lại, không đưa về nước. Nhưng khi tính cân đối ngoại tệ chẳng hạn, thì phải bóc tách phần ấy ra.
Điều đó cũng có nghĩa mục tiêu huy động vốn đầu tư nước ngoài góp phần thêm cho nguồn ngoại tệ của đất nước có bị hạn chế nhiều. Nhất là khi, chúng ta đang phải nhập siêu lớn, dự trữ ngoại tệ mỏng…
Với đặc điểm này, các nhà quản lý cần biết rõ nên khuyến khích cái gì? Nếu chúng ta để tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp thì chúng ta không đạt được mục tiêu trên, nhất là khi ở ta, FDI chủ yếu là đầu tư mới.
* Thưa ông, còn câu chuyện FDI của ta đổ quá nhiều vào bất động sản, ông có suy nghĩ gì?
- Tôi thì không bài xích chuyện FDI vào bất động sản. Để nhà đầu tư nuớc ngoài xây văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng ta cũng sẽ học được kinh nghiệm về quy hoạch, về kiến trúc, về quản lý…
Nhưng sau hơn 20 năm thu hút FDI, bây giờ chúng ta phải xem xét, tính toán khả năng đầu tư các toà nhà, xây dựng khu đô thị, khách sạn của doanh nghiệp trong nước đã ở mức nào rồi.
Tôi cho là giờ đây, doanh nghiệp trong nước đã có năng lực về vốn, kinh nghiệm về kiến trúc, xây dựng và cả kinh nghiệm quản lý các dự án lĩnh vực này. Và họ cũng đã có kinh nghiệm và bản lĩnh để thuê và quản lý chuyên gia bên ngoài đối với các công đoạn trong nước còn yếu.
* Nhiều người hoài nghi về việc huy động nguồn vốn ở các dự án này, cá nhân ông có suy nghĩ như vậy?
Việc huy động vốn các dự án bất động sản là lấy mỡ rán mỡ nó (ảnh: LAD) |
- Các dự án bất động sản có vốn đăng ký lớn ấy, chúng ta phải hết sức lưu tâm một điều rằng, không phải người nước ngoài sẽ đem toàn bộ tiền theo như vốn đăng ký từ nước ngoài vào đầu tư đâu.
Ở đây, họ làm theo kiểu cuốn chiếu, giai đoạn 1 sẽ nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 2 huy động vốn được sẽ nuôi giai đoạn 3. Đó là kiểu lấy mỡ rán mỡ nó. Ý nghĩa đóng góp vào mục tiêu cân đối ngoại tệ không phải là quá lớn đối với nhiều dự án “khổng lồ”.
* Cơ cấu thu hút FDI theo ông hiện nay có vấn đề gì đáng lưu ý?
- Tôi được biết, năm 2008, nếu phân theo ngành thì chỉ có 11% cho ngành chế tác, còn lại 28% cho sắt thép nhôm, 22% cho chế biến dầu khí, 39% cho căn hộ, văn phòng. Ngành chế tác là cần khuyến khích nhất mà chỉ có 11% là không đúng.
Cơ cấu này cho thấy, mức đầu tư tăng vọt không chỉ do sự hấp dẫn của môi trường đầu tư mà có phần, các doanh nghiệp bên ngoài cũng muốn lợi dụng sự dễ dãi, sơ hở của ta về khai thác tài nguyên, cấp đất đai, bảo vệ môi trường.
Cũng đã có hiện tượng nhà đầu tư thổi phồng qui mô vốn và khả năng sinh lời của dự án để dễ được cấp phép, nhất là khi ta phân cấp mạnh về cho địa phương cơ sở như hiện nay.
* Sự cấp phép tràn lan, như vậy có phải bắt đầu từ việc phân cấp triệt để toàn diện cho địa phương?
- Phân cấp quản lý đầu tư thực ra là dân chủ hoá trong quản lý kinh tế. Đó là một điều tất yếu trong sự phát triển kinh tế. Nhưng không phải là, cái gì cũng phân cấp. Cũng có những vấn đề buộc phải tập trung về Trung ương. Muốn phân cấp hiệu quả thì phải có sự chuẩn bị đầy đủ.
Ví dụ, có những thứ dứt khoát không thể phân cấp cho địa phương được, đó là việc hoạch định cơ chế chính sách, là qui hoạch phát triển ngành, vùng của cả nước. Sự phát triển từng ngành, từng vùng nói chung phải thống nhất, đồng bộ và dài hạn.
Theo tôi, có 4 điều kiện để cơ chế phân cấp phát huy hiệu quả, đó là sự chuẩn bị tốt về qui hoạch, chuẩn bị về cơ chế, về bộ máy và về cán bộ. Nhưng vừa qua, cả 4 sự chuẩn bị này đều không tốt.
Cho nên, những hiện tượng như 1 địa phương có mười mấy dự án thép như Bà Rịa Vũng Tàu, theo tôi cũng là do nguyên nhân đầu tiên là qui hoạch chưa tốt. Quy hoạch còn thiếu đồng bộ, chắp vá, cán bộ và bộ máy cán bộ thiếu chuyên nghiệp. Chưa kể, ở ta, qui hoạch có tốt rồi nhưng lại có chuyện xé rào, phá qui hoạch.
* Theo ông, chúng ta nên sửa “lỗi” này thế nào?
- Tôi cho là, cơ chế phân cấp với dự án FDI, nếu trong thời gian ngắn, chưa chuẩn bị điều kiện đầy đủ thì nên quay về cơ chế cũ, dồn đầu mối về Trung ương, nhất là dự án lớn dự án có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển đất nước, dự án liên quan tới môi trường...
Cái làm nhiều người băn khoăn, lo lắng nhất là cấp phép tràn lan như cho quá nhiều những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường như thép, một số ngành hóa chất.. hiệu quả kinh tế tính riêng cho từng dự án có thể là cao nhưng xử lý cho môi trường cực kỳ khó khăn. Khi ấy, người dân khổ, cả xã hội phải gánh chịu và doanh nghiệp thì ngồi thu lợi từ dự án.
* Ông nói sao về hiện tưọng dự án treo mười mấy năm mà ta không xử lý được?
- Riêng với các dự án “treo”, chúng ta phải có thái độ hành xử dứt khoát. Vượt quá thời gian quy định thì phải thu hồi. Nhưng việc thu hồi cũng phải linh hoạt, dựa trên lợi ích quốc gia. Với dự án nào mà nhà đầu tư đã bỏ tiền ra rồi, thì nên xem xét căn nguyên, tuỳ trường hợp, có thể bồi hoàn tiền cho họ khi thu hồi giấy phép đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet