Dự án đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài - Những gút mắc từ tuyến đầu

Cập nhật 07/08/2009 08:30

Dự án trọng điểm Tân Sơn Nhất-Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN) đã có quá trình hơn 10 năm chuẩn bị và được khởi công từ 14 tháng qua...

Ông Nguyễn Hồng Hải (số 9 đường Hồng Hà, phường 2, Tân Bình) khiếu nại về việc điều chỉnh hướng tuyến của dự án này. Ảnh: Qúy Lâm.
 

Dự án trọng điểm Tân Sơn Nhất-Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN) đã có quá trình hơn 10 năm chuẩn bị và được khởi công từ 14 tháng qua, nhưng công tác giải tỏa mặt bằng lại rất chậm trễ.

Điều đáng nói là ngay từ “vạch xuất phát”, dự án đã gặp vô số “chướng ngại vật” bởi các phương án điều chỉnh hướng tuyến, giảm lộ giới, thu hồi đất, đền bù, giải tỏa… vẫn chưa thông suốt, liên tục bị người dân khiếu nại. Riêng đoạn đầu tuyến, từ nút giao thông Trường Sơn (quận Tân Bình) đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) chỉ dài hơn 1,5km, nhưng khi thực hiện thì mỗi địa phương làm một nẻo.

Gò Vấp thu hồi đất cho đường 60m


Những ngày đầu tháng 7-2009, 2 trong số 49 hộ dân tổ 62 phường 3 quận Gò Vấp, là bà Nguyễn Thị Hoa và Ngô Thị Bích Liên (nhà số 230 và 232 Nguyễn Thái Sơn) hết sức bất ngờ khi nhận được quyết định thu hồi đất qua thư bảo đảm. Hai tờ quyết định (số 5080 và 5081) do Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trương Văn Non ký từ ngày 4-12-2008, với nội dung thu hồi toàn bộ diện tích của 2 căn nhà trên để thực hiện xây dựng tuyến đường TSN-BL-VĐN.
 

Sơ đồ điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới nút giao thông Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn.


Bất ngờ vì họ có trong tay văn bản số 5495 của UBND TP ban hành ngày 30-8-2008, trong đó thông báo nhánh đi vào sân bay TSN theo đường Nguyễn Thái Sơn-Bạch Đằng điều chỉnh lộ giới từ 60m xuống còn 20m. Công văn này cũng khẳng định đoạn đi qua Nguyễn Thái Sơn chỉ là đường nối, không còn thuộc đường Vành đai 1 của dự án TSN-BL-VĐN nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 49 hộ dân tổ 62 không thuộc diện phải giải tỏa, bởi đường Nguyễn Thái Sơn hiện hữu đã có chiều rộng tới 25m.

Làm việc với chúng tôi, Trưởng ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp Vũ Văn Định cho rằng mặc dù 49 hộ dân này không nằm trong lộ giới 20m, nhưng vẫn thuộc dự án và phải giải tỏa. Về công văn 5495 của UBND TPHCM, có nội dung khẳng định đoạn từ nút giao thông Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn không còn thuộc diện quy hoạch phóng tuyến, nghĩa là 49 hộ dân trên không bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Định nói: “Chúng tôi chỉ biết 49 hộ dân tổ 62 nằm trong danh sách giải tỏa đã trình UBNDTP, nên chúng tôi phải giải tỏa. Việc điều chỉnh lộ giới là thuộc về kỹ thuật, anh có thể hỏi bên ngành giao thông”.

Đối với thắc mắc vì sao quận luôn thông báo giải tỏa khu vực trên, nhưng người dân lại chưa nhận được bất cứ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nào cũng như chưa hiệp thương thỏa thuận gì với dân, ông Định cho biết nguyên nhân là do các hộ dân này bất hợp tác. “Chúng tôi đã cho gửi quyết định thu hồi đất cho 47 hộ dân còn lại. Nhưng phương án đền bù, hỗ trợ như thế nào thì phải chờ chỉ đạo của UBND TP; bởi khu vực này trước đây thuộc công viên cây xanh, nhưng đơn vị đứng ra cấp đất cho dân không đúng thẩm quyền” - ông Định nói.

Tân Bình thu hồi đất làm đường 20m

Không giống như Gò Vấp, quận Tân Bình lại đang ráo riết chuẩn bị thực hiện kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân tổ 82 và 89 (phường 2) vì vướng quy hoạch đường nhánh 20m từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đi vào sân bay TSN. Con đường dự kiến phóng tuyến 60m mà Thủ tướng phê duyệt năm 1997 giờ đây không được nhắc tới trong kế hoạch triển khai thực hiện tuyến đường TSN-BL-VĐN nữa. Thậm chí, từ những năm 2002, một số hộ dân làm nhà trên lòng đường 60m đã quy hoạch.

Cơ sở mà Tân Bình dựa vào để thực hiện theo điều chỉnh theo phương án 2 đường nhánh 20m, là các văn bản: 6862/QĐ-UB-QLĐT ngày 21-12-1998 của UBND TPHCM về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung quận Tân Bình; Quyết định số 447/KTST-QH ngày 14-1-1999 của Kiến trúc sư trưởng TP duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2.000 khu dân cư hình thành từ đất quân sự thuộc phường 2 và phường 4 quận Tân Bình; văn bản số 8103/KTST – QH, ngày 8-7-1999, Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất cải tạo và xây dựng khu dân cư liên phường 2, 4, quận Tân Bình; và quyết định số 5335/QĐ-UB-QLĐT ngày 18-10-2005 UBND TP duyệt quy hoạch quận Tân Bình…

Các hộ dân tổ 82 và 89 phường 2 quận Tân Bình khiếu nại việc giảm lộ giới và điều chỉnh hướng tuyến như vậy là không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt. Theo ông Nguyễn Hồng Hải, nhà số 9 Hồng Hà, phường 2, Tân Bình, tuyến đường vành đai TSN-BL với lộ giới 60m do Thủ tướng phê duyệt từ năm 1997, đã công khai trước nhân dân; việc thay đổi hướng tuyến thực chất là nhằm “tránh mặt” một số căn nhà xây lấn chiếm trên quỹ đất đã được quy hoạch làm đường 60m trước đó.

 

- Ngày 12-9-1997, Thủ tướng có văn bản số 4557/KTN, chấp thuận đầu tư dự án xây dựng tuyến đường nối TSN-BL-VĐN, theo đề nghị của UBND TPHCM. Tuyến đường này bắt đầu từ nút giao thông Trường Sơn (sân bay TSN) đi qua ngã năm Nguyễn Thái Sơn, cầu Bình Lợi và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân với tổng chiều dài khoảng 13,6km. Đoạn đường từ nút giao thông Trường Sơn ra ngã năm Nguyễn Thái Sơn được quy hoạch 1 tuyến rộng 60m.

- Ngày 27-11-2007, UBND TPHCM có văn bản số 8145 trình Thủ tướng, xin điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới đoạn nút giao thông Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn. Theo đó, UBND TP đề nghị Thủ tướng chấp thuận xóa bỏ quy hoạch hướng tuyến 60m và thay vào đó là 2 nhánh rẽ (mỗi nhánh rộng 20m) đi theo đường Hồng Hà, Bạch Đằng hiện hữu để giảm thiểu chi phí đền bù, giải tỏa.

- Ngày 30-11-2007, Thủ tướng có văn bản số 1878/TTg-QHQT, chấp thuận thực hiện dự án TSN-BL-VĐN, do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa có văn bản nào của Thủ tướng cho thấy việc xin điều chỉnh hướng tuyến do UBND TPHCM đề xuất đã được phê duyệt.

- Mới đây, tại cuộc họp kiểm tra thực địa về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường nối TSN-BL-VĐN, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đánh giá tiến độ thực hiện rất chậm so với yêu cầu và kế hoạch đã đề ra.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức phải tập trung dồn sức, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để bảo đảm hoàn thành dự án này vào cuối năm 2012. Cụ thể, quận Bình Thạnh phải giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31-8, Gò Vấp trước ngày 30-9, Tân Bình trước ngày 31-10 và Thủ Đức trước ngày 30-11-2009. Bên cạnh đó, cần bảo đảm nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

- Ngày 29-7-2009, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, đã có văn bản số 205 gửi UBND TPHCM, đề nghị tổ chức kiểm tra làm rõ việc thay đổi tuyến đường TSN-BL (đoạn từ nút giao thông Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn) và lựa chọn một phương án phù hợp, hiệu quả nhất nhằm chấm dứt khiếu kiện.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng