Dự án chung cư “im lìm” vì “khát” vốn

Cập nhật 19/11/2008 15:00

Nhiều chủ đầu tư đã không còn vốn để xây dựng tiếp nên hàng trăm block chung cư từ cao cấp đến bình dân tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP HCM...

Nhiều chủ đầu tư đã không còn vốn để xây dựng tiếp nên hàng trăm block chung cư từ cao cấp đến bình dân tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP HCM đều giậm chân tại chỗ trong tình trạng dở dang.

Chưa tính nhu cầu về nền đất, căn hộ riêng lẻ, để giải quyết nhu cầu về căn hộ chung cư cho người nước ngoài và người dân các tỉnh, thành khác tập trung về thành phố thuê, mua; đáp ứng nhu cầu tạo lập chỗ ở cho hàng chục ngàn cặp vợ chồng trẻ và phục vụ việc tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa… mỗi năm địa bàn TP Hồ Chí Minh cần thêm ít nhất 20.000 căn.

Thị trường căn hộ chung cư tại thành phố đầy tiềm năng nhưng sau một thời gian được các nhà đầu tư, chiếm 80% giao dịch, mua đi bán lại lòng vòng "thổi" giá lên quá cao đối với những căn hộ đang còn trên giấy.

Hiện tại, thị trường căn hộ chung cư trong các dự án xây dựng dở dang đang điêu đứng bởi các lý do: Nhà đầu tư trước sức ép lãi suất ngân hàng cao, giá căn hộ trên thị trường giảm mạnh đã đồng loạt bán tháo để rút vốn.

Về phía chủ đầu tư dự án, mặc dù giá nhiều loại vật liệu xây dựng như sắt thép giảm trên 10 triệu đồng/tấn; xi măng giảm 20 - 30 ngàn đồng/bao so với lúc cao điểm; các loại vật liệu khác như gạch, vật liệu trang trí nội thất… cũng đồng loạt giảm khá mạnh những tháng gần đây nhưng nhiều chủ đầu tư đã không còn vốn để xây dựng tiếp.

Từ đó dẫn tới thực trạng hàng trăm block chung cư từ cao cấp đến bình dân tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố đều giậm chân tại chỗ trong tình trạng dở dang.

Với dự án mới, trừ một số ít dự án căn hộ cao cấp có vốn đầu tư nước ngoài, các dự án chưa triển khai của doanh nghiệp trong nước hiện tạm thời vẫn phải án binh bất động chờ vốn. Tình trạng này càng khiến giao dịch căn hộ chung cư trên thị trường bất động sản thêm ảm đạm dù giá bán tại nhiều dự án sắp hoàn thành hiện đã giảm hơn một nửa so với lúc cao điểm.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản thành phố, thực tế đa số các doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở đã phải đi vay ngân hàng ngay từ công đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi lượng vốn của doanh nghiệp làm dự án phát triển nhà ở thường chỉ chiếm trên dưới 20% tổng vốn đầu tư cho dự án.

Ngoài vấn đề phải gánh lãi suất vay 18 - 21%/năm suốt thời gian qua, đúng lúc giá vật liệu xây dựng tăng vọt thì các ngân hàng thương mại "đóng cửa" gần như ngưng cho vay.

Không còn tiền để triển khai tiếp hoặc phải tạm ngưng để tránh "bão giá" vật liệu xây dựng, chủ đầu tư rơi vào vòng luẩn quẩn: Không làm tiếp thì không thể thu được tiền từ người mua nhà, những doanh nghiệp đã vay thì phải đối mặt với thời hạn trả nợ bởi chủ yếu nguồn vốn ngân hàng cho vay là vốn ngắn hạn.

Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Công ty CP T.B. cho biết: "Tháo gỡ mới đây của Ngân hàng Nhà nước bằng cách chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho doanh nghiệp bất động sản vay nhưng kèm theo điều kiện: Dự án phải khả thi và có điều kiện trả nợ. Điều này tiếp tục khiến cửa vay ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản thu hẹp lại. Bởi như vậy, các ngân hàng thương mại càng có điều kiện lựa chọn, xem xét các phương án kinh doanh vốn đã khả thi của doanh nghiệp trước khi cho vay".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố: "Hiện các doanh nghiệp hội viên vẫn phải vay với lãi suất trên dưới 16%/năm, nhưng để trụ lại được, doanh nghiệp chỉ có thể kham nổi mức lãi suất từ 0,85 - 1,1%/tháng".

Từ đó dẫn đến thực tế là ngay cả khi có thể tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng, chưa chắc doanh nghiệp đã dám vay để đầu tư dự án mới mà chủ yếu vay đáo hạn hoặc để hoàn thiện dự án cũ.

Phát biểu trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và UBND TP Hồ Chí Minh nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để kích cầu thị trường này tăng trưởng trở lại ngày 7/11 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu đã đưa ra kiến nghị: "Chính phủ cần xem xét, lập một quỹ tài chính đặc biệt, dành khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản".

Cùng một loạt các giải pháp kích cầu khác, trong đó ông Châu tiếp tục đưa ra kiến nghị cho phép doanh nghiệp huy động vốn của khách hàng nếu đã có dự án đầu tư được duyệt; đã giải phóng xong mặt bằng; được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và đã nộp tiền sử dụng đất… kèm theo điều kiện doanh nghiệp phải cam kết sử dụng đúng mục đích huy động vốn để phục vụ khách hàng.

Ngoài vấn đề tìm giải pháp để nguồn vốn ngân hàng tiếp tục "bơm" cho việc phát triển thị trường bất động sản nói chung, các dự án căn hộ chung cư nói riêng, vấn đề xử lý nợ ngân hàng đối với doanh nghiệp bất động sản hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Bởi như ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo tại hội thảo về vấn đề vốn cho thị trường bất động sản do Hiệp hội Bất động sản thành phố tổ chức ngày 30/10 vừa qua: "Cứ để thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay là rất nguy hiểm, dễ dẫn tới tình trạng cả tổ chức tín dụng và nhà đầu tư đều bị thua lỗ khiến nợ xấu của tổ chức tín dụng tăng kéo theo một loạt các vấn đề khác".

Nhưng giải quyết bài toán nguồn vốn ngân hàng đã và sẽ đầu tư cho các dự án phát triển nhà ở tại TP Hồ Chí Minh bằng cách nào thì hiện doanh nghiệp bất động sản vẫn còn phải chờ

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân