Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 1998 đến 2010, TPHCM đã và đang triển khai thực hiện 1.093 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng chi phí bồi thường là 82.170 tỉ đồng (hơn 4,5 tỉ USD), với tổng...
Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 1998 đến 2010, TPHCM đã và đang triển khai thực hiện 1.093 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng chi phí bồi thường là 82.170 tỉ đồng (hơn 4,5 tỉ USD), với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 165.176 hộ.
Đến nay TP đã thực hiện hoàn thành 902 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đã bố trí tái định cư (TĐC) cho 23.531 hộ, còn lại 191 dự án dở dang gồm 38.246 hộ yêu cầu được TĐC sẽ chuyển tiếp qua các năm sau giải quyết.
Tạm cư dài hạn
Việc tập trung nhiều nguồn vốn để cải tạo nâng cấp đô thị là nhằm tạo bước đột phá cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng chất lượng cho cuộc sống người dân. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP, thực tế hiện nay ở nhiều dự án trọng điểm, công tác đền bù, giải tỏa quá chậm kéo theo hệ lụy là nhiều hộ dân phải chịu cảnh “treo” thời gian giải tỏa, di dời hoặc phải tạm cư dài hạn. Cụ thể, một số dự án trọng điểm được triển khai thực hiện từ trước năm 2005 đến nay vẫn còn dang dở: Chương trình di dời, TĐC 15.000 hộ dân sống ven kênh rạch TP (năm 2005-2010), hiện mới di dời được 5.464 hộ; dự án nâng cấp đô thị TP (năm 2003-2010) có 16.157 hộ bị ảnh hưởng và mới di dời 3.824 hộ; dự án Đại học Quốc gia (năm 2007–2010) đến nay mới chỉ di dời được 237 hộ trong tổng số 1.174 hộ bị ảnh hưởng...
Ngoài ra, một thực trạng đang diễn ra hiện nay là các dự án có quỹ nhà TĐC đã hoàn thành nhưng do phân bổ không đều trên địa bàn quận, huyện dẫn đến tình trạng thiếu quỹ nhà TĐC cục bộ tại một số địa phương có nhiều dự án triển khai (quận 1, 2, 6, 8...). Một nghịch lý khác cũng khiến nhiều địa phương đau đầu là phần lớn các dự án triển khai giải tỏa tập trung chủ yếu ở các quận nội thành (như quận 1, 4 và 5) nên quỹ nhà TĐC ở các quận ven không thể điều chuyển để cân đối, thậm chí việc điều chuyển còn gây ra phản ứng từ nhiều hộ dân do phải di dời xa nơi ở cũ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, hiện chủ đầu tư các dự án đều bị động, không thể chuẩn bị được quỹ nhà TĐC. Ngoài ra, phần lớn các dự án đều không triển khai điều tra thống kê chính xác mà chỉ dựa trên số liệu điều tra sơ bộ hoặc ước lượng nên khi đưa vào dự án đều thiếu chính xác.
Năm 2010 sẽ đủ nhà tái định cư
Nhằm tăng quỹ nhà TĐC trên địa bàn TP, ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết UBND TP đã cho phép các địa phương được mua lại các căn hộ, nền đất từ các dự án. Tuy nhiên, hiện hầu hết các dự án này đang hoặc chuẩn bị đầu tư với thời hạn hoàn thành sớm nhất cũng mất từ 2 đến 3 năm, như vậy phải chờ đến năm 2010, TP mới có tạm đủ quỹ nhà tạm cư.
Ngoài ra, hiện đã có 3 chương trình nhà ở lớn đang được TP tập trung đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị triển khai để bảo đảm quỹ nhà dành cho các hộ dân bị giải tỏa trong những dự án công ích. Cụ thể: Chương trình đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ TĐC cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, khu 17,3 ha phường An Phú (quận 2) có quy mô 1.844 căn đã khởi công xây dựng từ tháng 11-2008, dự kiến hoàn thành cuối năm 2010; khu 38,4 ha phường Bình Khánh (quận 2) có quy mô 6.500 căn hiện TP đã chọn Công ty TNHH Daewon thực hiện đầu tư toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng 2.000 căn hộ... Kế đến là chương trình đầu tư xây dựng 11.000 căn hộ chung cư phục vụ TĐC cho khu đô thị Nam Sài Gòn. Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, TP sẽ tạo quỹ đất khoảng 200 ha, trong đó dành khoảng 50 ha để làm khu nhà ở tập trung với hạ tầng xã hội bảo đảm.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động