Tin từ UBND TP Hà Nội cho biết, để triển khai dự án cầu Nhật Tân, các cơ quan chức năng đang tập trung vào khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện Đông Anh và địa bàn quận Tây Hồ.
Phối cảnh cầu Nhật Tân. |
Tin từ UBND TP Hà Nội cho biết, để triển khai dự án cầu Nhật Tân, các cơ quan chức năng đang tập trung vào khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện Đông Anh và địa bàn quận Tây Hồ.
Theo đó, trên địa bàn huyện Đông Anh đã GPMB được 35ha từ đê sông Hồng đến nút giao Vĩnh Ngọc, bàn giao cho chủ đầu tư để thi công. Dự kiến, trong tháng 8/2009, huyện Đông Anh sẽ bàn giao phần đất nông nghiệp và đất trưng dụng; Cuối tháng 12/2009, bàn giao toàn bộ diện tích đất (bao gồm cả đất thổ cư của khoảng 50 hộ dân).
Ở địa bàn quận Tây Hồ, quận đang triển khai công tác GPMB. Dự kiến trong tháng 8/2009 sẽ bàn giao 3,1ha đất trưng dụng, tháng 9/2009 bàn giao diện tích đất nông nghiệp (khoảng 20ha) và trong quý II/2010 hoàn thành, bàn giao toàn bộ phần diện tích (bao gồm cả đất thổ cư của khoảng 330 hộ dân) thuộc phạm vi GPMB tại quận Tây Hồ.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn trong tháng 9/2009 bắt đầu tiến hành việc di chuyển hệ thống điện cao thế, hạ thế trong phạm vi dự án… để lấy mặt bằng phục vụ cho công tác thi công dự án Cầu Nhật Tân.
Dự án cầu Nhật Tân chính thức khởi công xây dựng từ ngày 7/3/2009 và được xác định là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng. Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng-Yên Viên, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn tuyến đường từ trung tâm đến sân bay Quốc tế Nội Bài. Với quy mô lớn, công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại, kết cấu đặc biệt- cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, cầu Nhật Tân khi hoàn thành sẽ trở thành một điểm nhấn kiến trúc, một biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội.
Dự án cầu Nhật Tân nằm trên đường vành đai II thành phố, bắt đầu từ Phú Thượng (Tây Hồ) chạy song song, cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, vượt qua sông Hồng cắt với QL 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc và kết thúc tại đường Nam Hồng (Đông Anh). Toàn bộ dự án dài gần 9 km, trong đó cầu Nhật Tân dài hơn 3,7 km.
Phần cầu chính Nhật Tân là cầu dây văng liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực, với 5 trụ tháp, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng. Mặt cầu rộng 33,2m chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải xe hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế đạt tiêu chuẩn phố chính cấp I, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 80 km/h, các đường gom đạt tiêu chuẩn đường khu vực cho phép xe chạy với vận tốc 60km/h. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 13,6 nghìn tỷ đồng, sử dụng vốn vay từ ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JIBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới