Dự án cải thiện kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiếp tục trễ hẹn

Cập nhật 05/03/2009 15:05

Thời hạn chót mà TP HCM đưa ra cho công trình trọng điểm Dự án vệ sinh môi trường TP HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) phải hoàn thành...

Thời hạn chót mà TP HCM đưa ra cho công trình trọng điểm Dự án vệ sinh môi trường TP HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) phải hoàn thành trong năm 2009. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, mọi thứ trên công trường dưới lòng kênh Nhiêu Lộc vẫn còn khá ngổn ngang.

Sáng 3/3, tại giếng số 5 (trước cổng Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn), thuộc công trình tuyến cống ngầm gói thầu số 7, đầu kích từ giếng số 5 sang giếng số 6 dài 394 m nhưng mới “đi” được khoảng 20 m thì tạm ngưng do máy phát điện bị hỏng, máy hút bùn không hoạt động.

Liên tục gặp sự cố

Gói thầu số 7 do nhà thầu JV of Tinjin Machinery Equipment and CHEC3 (Trung Quốc) thi công, dự kiến hoàn thành vào ngày 14/11/2006. Tuy nhiên, ngay từ thời gian đầu thi công hạng mục kích ống ngầm, nhà thầu này đã liên tục gặp nhiều sự cố.

Đầu tiên là sự cố máy kích (robot) bị chìm khi đang khoan kích từ giếng S8 đến khu vực trạm bơm. Phải mất một năm sau, nhà thầu CHEC3 mới đưa được robot này ra khỏi lòng đất, “giải phóng mặt bằng” cho robot khác tiếp tục thi công.

Tiếp theo, đầu tháng 10/2006 khi máy kích số 2 kích từ giếng S31 đến giếng S32 khi mới kích được 250 m đến gần giếng S32 thì lại chìm xuống bùn. Sự cố này khiến đất xung quanh nền giếng S32 bị sụt, giếng bị lún, nước từ ngoài tràn vào ngập giếng, ngập đường ống từ giếng S31 - S32 - S33 và tràn vào khu vực trạm bơm. Đến nay, con robot này vẫn còn nằm dưới lòng đất. Theo báo cáo mới đây của Ban quản lý dự án, phải đến tháng 5/2009 nhà thầu mới có thể hoàn tất việc trục vớt robot này ra khỏi lòng đất.

Đến nay, nhà thầu CHEC3 đã đưa vào Việt Nam bốn máy kích, nhưng hiện chỉ có hai máy kích hoạt động với tiến độ 8 m một ngày mỗi máy nếu gặp địa hình đất cát còn nếu gặp đất sét thì chỉ đi được 3 m một ngày. Còn máy kích số 3 được trục vớt lên từ giếng S8 vẫn trong tình trạng chờ sửa chữa.

Khó hoàn thành như cam kết

Theo báo cáo tiến độ thi công công trình của Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường TP HCM, tính đến cuối tháng 2/2009, việc kích ống đã đạt được 89,53% khối lượng công việc, hiện chỉ còn hai đoạn cống bao (D3000 mm) với chiều dài khoảng 734 m nữa là hoàn tất.



Với tiến độ thi công như hiện nay, dự án khó hoàn thành đúng tiến độ.


Tuy nhiên, đoạn kích ống băng sông Sài Gòn hiện vẫn đang tìm giải pháp kỹ thuật, chờ ý kiến của WB và chọn nhà thầu. Nếu đấu thầu sẽ mất từ 6 đến 9 tháng còn nếu sử dụng nguồn lực sẵn có cũng mất từ ba đến 6 tháng. Đến nay, toàn bộ gói thầu số 7 chỉ mới đạt 81% khối lượng công việc (sau hơn 5 năm 4 tháng thi công). Với tiến độ thi công như hiện nay gói thầu số 7 khó có thể hoàn thành vào tháng 8/2009 như CHEC đã cam kết.

Đối với các gói thầu còn lại của dự án, khối lượng công việc đã thực hiện được đến nay cũng còn khá khiêm tốn. Gói thầu số 10 (cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) đến nay chỉ mới đạt được 38% khối lượng công việc. Chạy dọc theo hai bờ kênh, quan cảnh đất cát, cừ bê tông khá ngổn ngang.

Dọc bờ kênh, bùn đất nạo vét từ lòng kênh chất đống chưa được chuyển đi nơi khác và đến nay công tác nạo vét cũng chỉ mới thực hiện được 200.000 m3 trên tổng số 1.030.000 m2. Các gói thầu thay thế và mở rộng cống cấp 2, cấp 3 tiến độ thi công cũng khá chậm, có gói thầu đến nay chỉ mới thi công được 13% như gói thầu 11B2 còn gói thi công đạt khối lượng cao nhất cũng chỉ mới đạt tỷ lệ 69% như gói thầu 11A2 và 12B1.

Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường TP HCM, toàn bộ gói thầu này chỉ mới đạt được 40% khối lượng công việc. Do vậy nếu không có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công sẽ không hoàn thành trước tháng 12/2009 như cam kết của nhà thầu.

Dự án vệ sinh môi trường TP HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có tổng mức đầu tư ban đầu là 199,96 triệu USD và giai đoạn hai là 249,69 USD. Trong đó vốn ODA chiếm 166,34 triệu USD (lãi suất 0%) còn lại là vốn đối ứng. Dự kiến công trình này hoàn thành vào tháng 11/2006. Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết tình trạng ngập úng trên lưu vực; cải tạo, chỉnh trang dòng kênh, cải thiện môi trường sống... Phạm vi ảnh hưởng của dự án đến khoảng 1,2 triệu dân của 7 quận nội thành.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt