Theo các chuyên gia BĐS, việc rà soát và phân loại dự án tạm dừng, tiếp tục là một giải pháp để cứu thị trường. Mặc dù đã có những chỉ đạo quyết liệt nhưng tới nay, vấn đề này còn nhiều vướng mắc.
Để giải cứu thị trường, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát, kiểm tra trực tiếp 11 dự bất động sản tại các tỉnh, thành trọng điểm. Bộ cũng đã tổng hợp, phân loại dự án dừng hay cho tiếp tục, chuyển đổi... Theo đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, sắp tới, cơ quan này có thể sẽ đề xuất Chính phủ “mạnh tay” hơn trong việc thu hồi khoảng 30-40% số dự án bất động sản hiện có, trong đó tập trung vào số dự án quá chậm hoặc không thể triển khai, góp phần khắc phục tình trạng dự án tràn lan, nguồn cung dư thừa.
Song, thực tế triển khai không được như mong muốn. Một số dự án bất động sản mà các địa phương kiến nghị thu hồi từ đầu năm 2013 trên cả nước chỉ là 1% trên tổng số các dự án được rà soát. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều dự án treo nhất nước. Tính đến hết tháng 6/2013, TP vẫn còn 131 dự án, chiếm tới hơn 1.618ha đất chậm triển khai và chưa triển khai giải phóng mặt bằng.
Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã bị nêu đích danh vì bỏ hoang đất nhiều năm như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội...
Nhiều dự án sẽ phải thu hồi để xây dựng trường học, bệnh viện... (Ảnh: D.A)
|
Ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vic - Sàn giao dịch BĐS VIC, cho rằng, trước đây, cơ quan chức năng quản lý chưa tốt khâu duyệt và thẩm tra dự án, năng lực của chủ đầu tư và nhu cầu khách hàng tại khu vực nên dẫn tới việc cấp phép tràn lan
Còn các chủ đầu tư - do năng lực yếu và ảnh hưởng của thị trường - nên dự án không triển khai được, dẫn tới tình trạng đất đai bị bỏ hoang, dự án không có người mua. Trong khi đó, người dân bị mất đất ảnh hưởng tới cuộc sống, lao động và kinh tế. "Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường nên việc rà soát và thu hồi những dự án không hiệu quả theo tôi là cần thiết" - ông Hải nói.
Chậm thu hồi do vướng đủ thứ
Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ nhưng việc thu hồi các dự án treo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trao đổi với PV. VietNamNet, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Riêng Hà Nội, năm 2011 chúng ta có quyết định 1259 quy hoạch chung, sau đó triển khai gần 160 đồ án các loại, đồ án phân khu, 37 quy hoạch phân khu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết.
Đến nay, chúng ta chưa triển khai được hết các quy hoạch, vì vậy, chưa có căn cứ để rà soát hơn 700 dự án sau này; phát hiện thêm 51 dự án, tức gần 800 dự án trên địa bàn, chưa có quy hoạch phân khu. Chưa kể tới quy hoạch chung các vùng thủ đô gồm 5 đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái vẫn chưa hoàn tất nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án”.
Hà Nội đang rà soát quy hoạch hàng loạt dự án. (Ảnh:D.A)
|
Theo ông Nghiêm, so với TP.HCM quy hoạch đã tương đối ổn định, Hà Nội mới mở rộng nên đang phải khớp nối thành quy hoạch chung - đây cũng là một lý do khiến cho việc thu hồi dự án chậm. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô có hiệu lực cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề rà soát các dự án.
Còn GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thu hồi dự án là giải pháp nói chung khó thực hiện, kể cả với Hà Nội và TP.HCM, vì các dự án đã đầu tư rồi, có tài sản ở trên đất, thu hồi Nhà nước không có tiền, tức không thể lấy ngân sách nhà nước để trả cho cái tài sản đã đầu tư. Thứ hai mạnh hơn, nếu tài sản đã thế chấp ở ngân hàng, thu hồi sẽ xử lý thế nào, không thể xử lý nổi.
“Chúng ta đi theo hướng cứ thấy nhà đầu tư lơ là, không đầu tư là thu hồi, thực sự chính ta đang gây khó cho ta. Nhìn thì có thể thấy đây là một giải pháp mạnh có tính răn đe cao, nhà đầu tư thấy là sợ, cứ phải đầu tư, thực tế khó khăn rất nhiều.
Thu hồi sớm được hay không phụ thuộc vào mức độ đầu tư. Nếu chủ đầu tư chán dự án trả lại thì dễ, còn họ muốn giữ đất bởi lợi ích trong tương lai sẽ là trở ngại lớn. Theo quy định của pháp luật phải thu hồi rồi, UBND cũng muốn làm điều đó nhưng trong hoàn cảnh cụ thể cơ chế thu hồi chưa thể làm được”, ông Võ nói.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất tạm dừng, không cho triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng, hoặc giải phóng mới chỉ đạt 30% diện tích tại các địa phương trên cả nước. Đối với những dự án giải phóng mặt bằng dưới 70% diện tích thì các địa phương phải chủ động đưa ra các phương án giải quyết.
Ông Nguyễn Viết Hải kiến nghị, để lấy được dự án, các chủ đầu tư đã phải bỏ chi phí rất nhiều trong việc xin cấp phép, thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng,... Nếu thu hồi, các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế chính sách thỏa đáng để giúp cho doanh nghiệp bớt khó khăn và thiệt hại.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet