Dự án bất động sản sống lại nhờ M&A

Cập nhật 31/05/2010 14:20

Gần đây, hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) đã tái khởi động. Đây là những dự án được các doanh nghiệp khác mua lại để triển khai, sau một thời gian dài trùm mền vì đói vốn.


BĐS được xem là một trong những lĩnh vực M&A tiềm năng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Gần đây, hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) đã tái khởi động. Đây là những dự án được các doanh nghiệp khác mua lại để triển khai, sau một thời gian dài trùm mền vì đói vốn.

Các thương vụ M&A đình đám

Theo ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, thời gian qua đã diễn ra khá nhiều thương vụ chuyển nhượng, sáp nhập (M&A) dự án BĐS đình đám. Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ đều do chính các doanh nghiệp trong nước mua lại của doanh nghiệp trong nước, hoặc doanh nghiệp trong nước mua lại các dự án của công ty nước ngoài. “Trong số 25 thương vụ M&A, chỉ có 3 thương vụ liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài, còn lại 22 thương vụ là giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau”, ông Marc Towsend cho biết.

Tại Hà Nội, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã mua lại dự án nhà ở cao cấp của Tập đoàn Daewoo. Dự án có quy mô 65 tầng tọa lạc trên đường Liễu Giai (Q.Ba Đình), tổng vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD, khởi công từ năm 2007 nhưng sau đó phải dừng lại vì chủ đầu tư là Daewoo gặp khó khăn về tài chính.

Tại TP.HCM, CTCP dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh đã mua đứt Công ty TNHH Hà Thuận Hùng để giành quyền triển khai dự án Phú Gia Hưng Apartment (Q.Gò Vấp). Công ty Hà Thuận Hùng trở thành thành viên của CTCP Đất Xanh. Dự án này có quy mô 3.700m2, cao 14 tầng, 234 căn hộ, vốn đầu tư gần 259 tỉ đồng.

CTCP đầu tư và sản xuất Nam Long Bitexco đã mua cao ốc 10 tầng trên khu đất 4.350m2 ở đường Võ Văn Tần (TP.HCM) của CTCP kỹ thuật Việt với giá 8 triệu USD; CTCP thương mại-xây dựng BĐS Hòa Bình chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 2.700m2 đất xây cao ốc văn phòng tại Nam Sài Gòn cho Công ty Đông Dương với giá 11,9 triệu USD; Công ty CapitaLand, thông qua công ty con là CVH Cayman 1, đã mua lại 60% cổ phần của Công ty Hoàng Thanh với số tiền 551 tỉ đồng, nâng tổng số cổ phần sở hữu lên 70%...

Rào cản pháp lý

Hàng loạt doanh nghiệp BĐS nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư mà không muốn mất nhiều thời gian để thiết lập bộ máy, cũng như đi xin dự án đã chủ động làm M&A với các doanh nghiệp BĐS trong nước. Tuy nhiên, số thương vụ thực hiện thành công vẫn chưa nhiều, vì trên thực tế còn nhiều khoảng cách trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là đối với các thương vụ mà đối tác là doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, trong bối cảnh thị trường BĐS chựng lại, nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn về vốn thì nhu cầu M&A trong lĩnh vực BĐS là rất lớn. Trên thực tế, do tính phức tạp về thủ tục trong lĩnh vực BĐS ở Việt Nam nên việc chuyển nhượng dự án BĐS gặp nhiều trở ngại, rủi ro. Do vậy, các doanh nghiệp nước ngoài trước khi quyết định chuyển nhượng lại dự án, cần phải nghiên cứu rất kỹ tính pháp lý của dự án, tốt nhất là chỉ nhận chuyển nhượng những dự án đã có đất sạch.

Luật sư Võ Hà Duyên (Công ty luật Vilaf Hồng Đức) cho rằng: nói đến hoạt động M&A thì BĐS là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay. Để thực hiện thành công một thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS, khâu thẩm định pháp lý dự án được xem là công đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của giao dịch. Thời gian qua, có nhiều thương vụ M&A được các đối tác đồng ý thực hiện, nhưng cuối cùng phải hủy bỏ vì vướng ở khâu thẩm định pháp lý. Điều này xuất phát từ pháp luật về đất đai của Việt Nam còn nhiều điểm chưa nhất quán. “Quyền sử dụng đất phức tạp chính là rào cản lớn nhất trong hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS”, luật sư Duyên kết luận.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên