Đến nay, các công ty kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai đã đầu tư 244,4 triệu USD dựng các công trình...
Đến nay, các công ty kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai đã đầu tư 244,4 triệu USD dựng các công trình như: đường giao thông, đường điện, đường điện thoại, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống thoát nước nội khu, hệ thống chiếu sáng và cây xanh... đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại 23 KCN tập trung của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
3 KCN có mức đầu tư lớn nhất là KCN Nhơn Trạch 3 với 51,2 triệu USD, KCN Amata Biên Hòa với 38 triệu USD và KCN Biên Hòa 2 là 18 triệu USD. Đến nay, về cơ bản, hạ tầng các KCN tập trung của tỉnh đã được xây dựng bài bản, trong đó 8 KCN đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Để quản lý các KCN đạt hiệu quả, Ban quản lý các KCN Đồng Nai (DIZA) đã đi vào hoạt động theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" trong các KCN nhằm giải quyết nhanh hồ sơ, giảm sự đi lại cho các doanh nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. DIZA cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 trong công tác chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã rút ngắn theo quy định, cụ thể như: thời gian cấp giấy phép xuất nhập khẩu từ 15 ngày được rút ngắn còn 3 ngày, trong đó 70% giấy phép được cấp trong 1 ngày; cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày theo quy định, thực tế có 50% số giấy phép được giải quyết từ 3 đến 5 ngày, cá biệt có giấy phép chỉ cấy trong 1 ngày; cấp chứng chỉ C/O Form D trong 2 giờ..., góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" và "Làm ổ đẹp để gà đến đẻ trứng vàng".
Đặc biệt từ tháng 7 năm nay, Zida thực hiện cấp phép theo mô hình "một cửa", theo đó, Zida là cơ quan duy nhất sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của chủ đầu tư, có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục và phối hợp với ngành thuế và công an tỉnh lo thủ tục cấp luôn mã số thuế và giấy quyết định cấp phép khắc dấu. Nhà đầu tư từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm cả đăng ký mã số thuế và giấy phép khắc con dấu chỉ mất tối đa 15 ngày, giảm một nửa thời gian so với trước đây. Nhờ đó, đến nay đã có hơn 800 giấy phép đầu tư FDI của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 9,7 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn FDI vào Đồng Nai đạt 802 triệu USD. Dự kiến trong năm nay, Đồng Nai sẽ thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
Theo Minh Hưng - BTN & MT