Cầu Phú Mỹ đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đại lộ Đông Tây thông xe giai đoạn 1, đây là hai công trình giao thông hiện đại tầm cỡ quốc tế của TPHCM hiện nay...
Cầu Phú Mỹ đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đại lộ Đông Tây thông xe giai đoạn 1, đây là hai công trình giao thông hiện đại tầm cỡ quốc tế của TPHCM hiện nay. Đặc biệt, việc khánh thành 2 công trình lớn này cũng là động lực mạnh mẽ để TPHCM phát triển kinh tế, đổi thay vóc dáng đô thị.
Cần nhân rộng cách làm Cầu Phú Mỹ
Sau hơn 2 năm thi công, cầu Phú Mỹ đã chính thức khánh thành vào lúc 15 giờ ngày 2-9, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch.
Đến dự lễ và cắt băng khánh thành có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn; Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Australia, Canada, Pháp… và nhiều lãnh đạo bộ ngành trung ương, các sở ban ngành cùng hàng ngàn người dân TPHCM.
Phát biểu trước lúc cắt băng khánh thành cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao người dân trong khu vực dự án tích cực góp phần giải phóng nhanh mặt bằng để xây cầu, đội ngũ công nhân đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình, những kỹ sư, công nhân Việt Nam cùng với nhà thầu đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát vượt qua nhiều khó khăn để thi công thành công cây cầu dây văng hiện đại hoàn thành trước tiến độ.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là công trình có ý nghĩa về nhiều mặt của TPHCM về trước mắt và lâu dài cùng với dự án đại lộ Đông Tây tạo điều kiện để thành phố phát triển về nhiều mặt. Nhân đây Chính phủ đánh giá rất cao thành tựu phát triển của TPHCM dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả. Mục tiêu quan trọng của Chính phủ TPHCM cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhanh hơn. Thời gian tới tiếp tục phát huy, hạn chế những khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và các đại biểu trong thời điểm khánh thành cầu Phú Mỹ. Ảnh: Cao Thăng. |
Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân xúc động nói: “Để có được cây cầu Phú Mỹ hôm nay, nhà đầu tư các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các sở ngành đã có nhiều nỗ lực vượt qua những thời điểm khó khăn, thách thức; áp dụng nhiều cách làm mới, nhất là trong khâu thủ tục để rút ngắn thời gian. Mặt khác, dự án này được tập trung xây dựng với tiến độ cao nhất, kể cả trong thời kỳ giá vật liệu tăng đột biến nhưng tiến độ thi công hoàn thành trước kế hoạch”. Tuy nhiên, để cầu Phú Mỹ thật sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối, phân luồng giao thông thật sự khoa học và hợp lý. Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, các công trình có liên quan. Do vậy, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ và các nhà thầu tập trung tối đa nhân, nguồn lực, vật tư để đảm bảo hoàn thành sớm đường nối, nút giao thông A, đường vành đai 2.
Ông Nguyễn Văn Thì ngụ 11/1A đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7 nói: “Gia đình tôi và 152 hộ dân phải di dời để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Nhận thức được tầm quan trọng đây là công trình góp phần phát triển hệ thống giao thông đô thị nhằm nâng cao mức sống và người dân là người được hưởng lợi. Hôm nay cầu xây xong, tôi rất vui mừng vì khoảng cách đi lại giữa quận 2 và 7 được rút ngắn không còn cách trở nữa”.
Đại lộ tạo nên dáng vóc đô thị hiện đại
Cùng ngày, tại cầu Nước Lên huyện Bình Chánh, UBND TPHCM đã tổ chức thông xe đại lộ Đông Tây giai đoạn 1 (đoạn từ đường Bến Chương Dương (gần bờ sông Sài Gòn, quận 1) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) dài 13,4 km. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, thành phố và đông đảo người dân đến dự.
Phó Giám đốc Sở GT-VT kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM, Lê Toàn cho biết, đây là công trình giao thông lớn và hiện đại nhất TPHCM hiện nay. Đi trên tuyến đường, từ quận 1 ra cửa ngõ về miền Tây (quốc lộ 1A) sẽ rút ngắn khoảng 1/2 thời gian so với đi các tuyến đường khác như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Kinh Dương Vương có quá nhiều giao lộ có đèn tín hiệu giao thông.
Ông Quảng Diệu Hưng ngụ phường 13, quận 5, nơi có hàng ngàn hộ dân bị giải tỏa trắng hoặc giải tỏa một phần diện tích nhà ở dự án đại lộ Đông Tây cho biết, khi chưa có tuyến đường, đa số người dân sống trên đường Hàm Tử, Trần Văn Kiểu ở trong những căn nhà tạm bợ, lụp xụp, vệ sinh môi trường nhếch nhác. Nhiều bà con hiểu việc di dời nhà không chỉ giúp xây dựng đại lộ Đông Tây, góp phần vào việc giảm kẹt xe mà còn tạo điều kiện cải tạo môi trường, đem lại cảnh quan sạch đẹp cho trung tâm TP.
Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Tôi xin nhiệt liệt biểu dương và cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân TP, đặc biệt là gần 10.000 hộ dân với hàng chục ngàn bà con cô bác sinh sống trên địa bàn quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, cùng hàng trăm cơ quan đơn vị đã di dời, bàn giao mặt bằng để thi công dự án. Đại lộ Đông Tây sau khi đưa vào sử dụng góp phần quan trọng việc phát triển các khu đô thị mới ở phía Đông và Nam thành phố và giảm áp lực giao thông dồn vào các quận nội thành. Đây được xem là tuyến đường kiểu mẫu tạo cảnh quan đô thị góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển”.
Phát biểu tại lễ thông xe, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo cho biết: Cuối tháng 7 vừa qua đã thông báo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương viện trợ phát triển bằng nguồn vốn vay của Nhật Bản nửa đầu năm 2009 dành cho 5 dự án mà trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời ông bày tỏ trong thời gian tới phía Nhật Bản mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với VN trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, cảng, đường sắt và lĩnh vực công nghệ cao.
Đại lộ Đông Tây có tổng mức đầu tư 9.864 tỷ đồng (tương đương 660,6 triệu USD). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JBIC 6.394 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách nhà nước 3.470 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến trên 21,9km. Trong đó bao gồm 1,49km hầm vượt sông Sài Gòn, xây dựng mới 5 cầu giao cắt với đường, xây dựng mới 8 cầu, cải tạo 3 cầu cũ hiện có, xây mới 5 nút giao, xây dựng mới 12 cầu bộ hành. Đại lộ Đông Tây đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
- Cầu Phú Mỹ tổng chiều dài 2.031,8m, trong đó, gồm 705m cầu chính (cầu dây văng 3 nhịp), phần cầu dẫn phía quận 7 dài 684m (17 nhịp) và cầu dẫn phía quận 2 dài 642,8 m (16 nhịp). Tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ tự huy động với thời gian thu phí hoàn vốn 26 năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng