Việt Nam chưa có cơ chế tài chính BĐS phù hợp để thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển. Thị trường BĐS cần phải liên thông với...
Việt Nam chưa có cơ chế tài chính BĐS phù hợp để thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển. Thị trường BĐS cần phải liên thông với thị trường vốn, trong khi đó hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng cho vay dài hạn, lãi suất cho vay trung hạn vẫn còn rất cao, dẫn đến thiếu vốn cung cấp cho thị trường BĐS…
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, những dự án phát triển BĐS vẫn tập trung ở khu vực trung tâm đô thị, chưa phát triển được ra vùng ngoại ô, vì vậy làm giảm sức hút và qui mô của thị trường BĐS…
Thêm vào đó là việc chúng ta chưa tạo được một hành lang hỗ trợ thông thoáng về mặt chính sách, đặc biệt là khâu cải cách hành chính từ trung ương đến cơ sở, để các nhà ĐTNN có thể giải quyết công việc của mình theo đúng thời gian quy định mà không gặp những trở ngại không đáng có.
Trong các chiến lược phát triển liên quan đến thị trường BĐS Việt Nam: Diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 105.000 ha hiện nay lên đến 460.000 ha vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá 28% hiện nay, dự kiến sẽ đạt tới khoảng 45% vào năm 2025.
Nhu cầu về nhà ở đặc biệt là nhà ở đô thị để đáp ứng cho số dân đô thị khoảng 23 triệu người hiện nay, dự kiến sẽ tăng lên 46 triệu người vào năm 2025. Nếu chỉ tính riêng nhu cầu nhà ở đô thị, trung bình mỗi năm Việt Nam đã cần phải phát triển thêm 35 triệu m2 nhà để phấn đấu đạt 20m2 nhà ở/người tại đô thị vào năm 2020…
Nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại cũng đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu về văn phòng loại A, B, căn hộ cao cấp cho thuê, khách sạn 3-5 sao tại các đô thị lớn. (Dự kiến, riêng tại TP.HCM nhu cầu văn phòng loại A, B khoảng 200.000m2 và 10.000 phòng khách sạn loại 3 - 5 sao trong 1 vài năm tới.
Tại Hà Nội, khách sạn phục vụ khách quốc tế cũng thiếu nghiêm trọng. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các tập đoàn bán lẻ thế giới, cũng làm tăng nhu cầu về các công trình dịch vụ thương mại, siêu thị). Nhu cầu về phát triển hạ tầng khu kinh tế và khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao cũng vô cùng lớn với tổng vốn đầu tư lên đến nhiều chục tỷ USD.
Chúng ta cần ý thức rằng, việc thu hút nguồn vốn ĐTNN cho thị trường BĐS Việt Nam không chỉ là một động lực hết sức cần thiết giúp cho thị trường phát triển và phát huy hết tiềm năng vốn có của nó. Mặt khác, ĐTNN còn giúp cho chính các doanh nghiệp BĐS Việt Nam rất nhiều cơ hội phát triển khác. Đó là những cơ hội hợp tác đầu tư; là cơ hội cạnh tranh để sàng lọc và nâng cao tính chuyên nghiệp.
Nếu ĐTNN vào nhiều thì cơ hội hợp tác giữa nhà ĐTNN và chủ đầu tư trong nước sẽ càng lớn. Nhà ĐTNN tuy mạnh về vốn nhưng không thực sự am hiểu về thị trường, văn hoá, tập quán tiêu dùng, ngôn ngữ... bằng DN trong nước. Ngược lại, các DN trong nước lại thiếu vốn, kinh nghiệm và công nghệ cao. Vì vậy, sự hợp tác giữa hai bên sẽ hoá giải những điểm yếu đó và tạo ra sự phát triển.
Cùng với phát triển công nghiệp, việc đầu tư vào lĩnh vực BĐS của các tổ chức trong nước và của nhà ĐTNN đã làm cho diện mạo đô thị có những tiến bộ vượt bậc. Riêng ĐTNN vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, văn phòng... đạt gần 9 tỷ USD chiếm trên 20% tổng ĐTNN tại Việt Nam.
Việt Nam còn rất cần nguồn lực đầu tư từ nước ngoài. Mặc dù riêng lĩnh vực xây dựng và BĐS Việt Nam, tính đến đầu năm 2007, đã thu hút được gần 700 dự án ĐTNN, với tổng số vốn đăng ký khoảng 17 tỷ USD. Nhưng như vậy, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng lên đến hàng trăm tỷ USD của thị trường.
Theo Website Xây dựng