Chính nguồn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã tạo ra làn sóng đầu tư BĐS mạnh mẽ để đến nay, chúng ta đã có hàng loạt những...
Chính nguồn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã tạo ra làn sóng đầu tư BĐS mạnh mẽ để đến nay, chúng ta đã có hàng loạt những cao ốc, những khách sạn và khu đô thị mới to lớn, đẹp đẽ và sang trọng trên khắp các đô thị toàn quốc.
Cho đến nay, có thể nói nguồn vốn ĐTNN đã có những đóng góp vô cùng to lớn đến sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, lĩnh vực BĐS hiện chiếm hơn 20% tổng lượng vốn ĐTNN và có khả năng tăng mạnh trong vài năm tới. Chính nguồn vốn ĐTNN đã góp công lớn trong việc cải tạo diện mạo cho hệ thống đô thị và thị trường BĐS Việt Nam.
Còn nhớ, khi nguồn vốn này chưa đầu tư mạnh vào BĐS, chúng ta đã không thể có nổi một cao ốc văn phòng, một khách sạn cao cấp mang tiêu chuẩn quốc tế. Và chính nguồn ĐTNN đã tạo ra làn sóng đầu tư BĐS mạnh mẽ để đến nay, chúng ta đã có hàng loạt những cao ốc, những khách sạn và khu đô thị mới to lớn, đẹp đẽ và sang trọng trên khắp các đô thị toàn quốc.
Không những thế, nguồn ĐTNN còn đem đến cho thị trường BĐS một sinh khí mới với những tư duy đầu tư chuyên nghiệp và đẩy thị trường vận hành vào một cơ chế cạnh tranh cao hơn. Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam bứt khỏi tư duy làm ăn manh mún, thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp.
Làn sóng ĐTNN vào Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS, đẩy thị trường BĐS "nóng" lên. Nó làm gia tăng nhu cầu về nhà ở, văn phòng, khách sạn cao cấp phục vụ cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, Việt Nam ngày càng có nhiều quỹ BĐS lớn được thành lập và đi vào hoạt động. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư cũng như cho các đô thị tại Việt Nam. Sự có mặt của các quỹ đầu tư BĐS nước ngoài ở Việt Nam sẽ làm gia tăng vốn và củng cố toàn bộ thị trường.
Các quỹ này tạo nên những cơ hội trong xây dựng các khách sạn mới, các toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở, biệt thự..., từ đó quay lại cung cấp cho cộng đồng việc làm và mức sống cao hơn. Cùng với phát triển công nghiệp, việc đầu tư vào lĩnh vực BĐS của các tổ chức trong nước và của nhà ĐTNN đã làm cho diện mạo đô thị có những tiến bộ vượt bậc.
Riêng ĐTNN vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, văn phòng… đạt gần 9 tỷ USD chiếm trên 20% tổng ĐTNN tại Việt Nam. Môi trường đầu tư cũng thông thoáng và thuận lợi hơn (cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài) bằng việc Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật quan trọng để điều chỉnh hoạt động của thị trường BĐS (như Luật Đất đai (2003), Luật Xây dựng (2003), Luật Nhà ở (2005), Luật Đầu tư (2005) và Luật Kinh doanh BĐS (2006) và các Nghị định hướng dẫn kèm theo) nên đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường BĐS phát triển, trong đó điều kiện, phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS của các nhà ĐTNN đã được mở rộng thêm, thông thoáng hơn.
Trước đây thời hạn thuê đất của các liên doanh nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh BĐS phụ thuộc vào loại dự án, mức vốn đầu tư và tối đa là 50 năm, thì nay thời hạn thuê đất của các nhà ĐTNN tối đa là 70 năm, nếu có nhu cầu thì được gia hạn sử dụng nhiều lần. Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời hạn thuê đất hoặc trả tiền thuê đất hàng năm. Mức giá cho thuê bình đẳng cho cả các nhà đầu tư trong nước và nhà ĐTNN.
Nếu như trước đây khi muốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS (đầu tư khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê ...) các nhà ĐTNN phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước, vốn góp của nhà ĐTNN không được lớn hơn 70% vốn pháp định, thì nay các nhà ĐTNN có thể đầu tư 100% vốn. Đặc biệt, các nhà ĐTNN còn được phép nhận chuyển nhượng dự án có sử dụng đất của các tổ chức kinh tế trong nước để tiếp tục đầu tư. Điều này tạo thêm lựa chọn, cũng như giảm bớt thời gian chuẩn bị dự án của các nhà ĐTNN.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng của Nhà nước song vấn đề chính sách cũng vẫn là một “cửa ải” ngăn trở khiến nhiều nhà ĐTNN e ngại đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Chúng ta cũng phải thừa nhận: Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua cũng đã bộc lộ những yếu kém do chưa có được những nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của thị trường đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thị trường BĐS Việt Nam do mới hình thành nên thiếu tính chuyên nghiệp, kể cả từ hệ thống chính sách đến các chủ thể tham gia thị trường. Cơ chế chính sách, quy trình thủ tục đầu tư của Việt Nam có điểm còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cho các nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian để nghiên cứu, thích ứng với thị trường làm nản lòng các nhà ĐTNN…
Tính minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam chưa cao. Công tác quy hoạch xây dựng đô thị còn chưa theo kịp tiến trình phát triển của đất nước, hầu hết các dự án BĐS lớn vẫn phải theo cơ chế "xin - cho", điều chỉnh quy hoạch. Chưa có cơ chế cung cấp thông tin thị trường BĐS một cách hữu hiệu. Tình trạng giao dịch ngầm, đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá BĐS diễn ra khá phổ biến làm cho thông tin về thị trường BĐS không phản ánh đúng thực tế, từ đó làm tăng độ rủi ro trong kinh doanh BĐS….
>> Động lực cho thị trường BĐS Việt Nam phát triển (phần 2)
Theo Website Xây Dựng