Đồng bằng sông Cửu Long - Các “đại công trường”… trùm mền!

Cập nhật 17/04/2009 11:05

Các khu, cụm công nghiệp ở Hậu Giang dù đã thành lập từ lâu, đến nay hầu hết vẫn “chưa có gì”, vẫn mênh mông như một bãi hoang, trong khi danh sách đăng ký đã lấp đầy tên các đơn vị...

Các khu, cụm công nghiệp ở Hậu Giang dù đã thành lập từ lâu, đến nay hầu hết vẫn “chưa có gì”, vẫn mênh mông như một bãi hoang, trong khi danh sách đăng ký đã lấp đầy tên các đơn vị. Tại Cần Thơ, một số “siêu dự án” cũng đang trùm mền. Tình trạng này đang khiến cuộc sống, hoạt động sản xuất của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Vắng như chợ chiều

Đầu tháng 4-2009, khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu, quy mô gần 340ha nằm ven sông Hậu thuộc địa phận xã Đông Phú huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vẫn chỉ là cát và cỏ dại um tùm. 2 năm trước, tại đây diễn ra lễ khởi công xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy và nhà máy đóng tàu quy mô 290ha, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng.

Theo dự kiến, năm 2008, nhà máy sẽ đóng tàu 20.000 tấn. Nhưng thực tế đến ngày 10-4-2009, tại đây chỉ tập kết một số ít vật liệu, máy móc, thiết bị và chưa hình thành nhà máy sản xuất nào. Tại KCN Sông Hậu, một diện tích lớn đất còn lại được giao cho 2 dự án chế biến thủy sản thuộc 2 công ty Camimex và Minh Phú đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng nhà xưởng sản xuất nào mọc lên…

Cách KCN Sông Hậu khoảng 10km về phía hạ nguồn sông Hậu, một “đại công trường” khác là cụm công nghiệp Phú Hữu A (xã Phú Hữu A huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang) không khí cũng vắng lặng không kém. Nơi đây có một “siêu dự án” là Nhà máy giấy Lee & Man, xây dựng trên diện tích 200ha, tổng số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; tổng công suất 630.000 tấn/năm; sau đó sẽ nâng lên hơn 2 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoạt động sau 14 tháng kể từ ngày khởi công (6-8-2007) nhưng đến nay vẫn… rất im ắng.

Một cán bộ UBND xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Mấy tháng nay, nhà máy giấy được xây dựng cầm chừng, công nhân mất việc rất nhiều. Tại cụm công nghiệp Phú Hữu A còn nhiều dự án khác đăng ký khá lâu nhưng chưa có nhà xưởng nào đi vào sản xuất và cũng chưa hoàn tất bồi thường cho dân…

Trong khi đó, tại Cần Thơ, đến nay dự án xây dựng nhà máy lọc dầu rộng 250ha ở quận Ô Môn vẫn chưa khởi công dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 5-2008. Nhà máy này có công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm; tổng mức đầu tư 538 triệu USD, do Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ (liên doanh giữa Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Viễn Đông và Công ty Semtech Limited B.V.I của Hoa Kỳ) đầu tư.

Tháng 7-2008, Công ty cổ phần Hồng Lam và Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và Giải trí Việt Hải Đăng được thành phố Cần Thơ cấp 4 giấy chứng nhận đầu tư xây dựng: sân golf; trung tâm dịch vụ, thể thao giải trí; khu nhà ở và tái định cư; câu lạc bộ thể thao dưới nước và cưỡi ngựa du ngoạn. Các dự án trên có tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, thu hồi trên 260ha đất của dân ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Đến nay, các dự án trên đều chưa khởi công xây dựng. Chủ đầu tư cũng chưa thỏa thuận đền bù và bố trí tái định cư cho hàng trăm hộ trong vùng dự án. Đáng chú ý là từ tháng 8-2004, TP Cần Thơ đã có quyết định quy hoạch đất xây dựng các dự án này nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, gây khó khăn cho cuộc sống, sản xuất của người dân.



Không khí tĩnh lặng trên công trường nhà máy giấy ở Cụm CN Phú Hữu A.


Mỗi ngày “ăn” 1m² đất

Nhiều dự án tại các khu, cụm công nghiệp thực hiện với tốc độ “rùa” đã làm cho nông dân địa phương, nhất là những hộ ở trong khu đất bị giải tỏa rất bức xúc. Khi thu hồi đất để triển khai dự án, người dân ở đây được hứa là sẽ được nhanh chóng tạo điều kiện ổn định việc làm tại các nhà máy trong khu công nghiệp, nhưng đến nay, con số này đếm trên “đầu ngón tay”.

Tại KCN Sông Hậu, chúng tôi gặp cảnh “dở khóc dở mếu” của hàng chục hộ dân trong vùng dự án nhà máy đóng tàu. Có 34 hộ dân (thuộc ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú) đang trong cảnh… mỗi ngày “ăn” ít nhất 1m² đất, chờ nhận tiền bồi hoàn giải tỏa (vì ngày 26-9-2007, số hộ dân này được nhà nước phát tiền bồi thường đất - 50.000 đồng/m²).

34 hộ dân với mấy trăm nhân khẩu không biết đi đâu, mà cũng không thể bỏ đi vì chưa được bồi thường. Đất sản xuất đã giao cho khu công nghiệp, không có việc làm nên họ ngày càng ăn thâm vào tiền bồi thường đất. Đến nay, nhiều hộ gần như trắng tay.

Nông dân Trần Văn Bảy, SN 1960, than vãn: “Nhà tôi có 3 người, trong đó có 1 người già 80 tuổi, có 2.200m² đất, năm 2006 nhà nước bồi thường 120 triệu đồng. Căn nhà 70m² nghe đâu được áp giá khoảng 120 triệu đồng, tới nay chưa lãnh được đồng nào. Không có việc làm, chúng tôi ăn gần hết tiền rồi”.

Trong khi đó, tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, 76 hộ dân đang “mắc kẹt” ở giữa vì nằm trong vùng quy hoạch, chậm được bồi thường (vì dự án thực hiện theo từng giai đoạn). Những hộ này đang gặp khó khăn về nhiều mặt như: giao thông cách trở, xài điện câu đuôi, thiếu nước sinh hoạt… Vì nằm trong quy hoạch nên các hộ dân cũng không dám sản xuất lớn, lâu dài.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng