“Đổi vỏ” không dễ

Cập nhật 02/02/2013 08:08

Để tìm lối thoát cho thị trường bất động sản, các doanh nghiệp được khuyến khích chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là việc không hề dễ dàng.

Để tìm lối thoát cho thị trường bất động sản, các doanh nghiệp được khuyến khích chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là việc không hề dễ dàng.

Doanh nghiệp bất động sản phía Nam không mặn mà với việc chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội

Với những ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế và các ưu đãi khác, việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà xã hội sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán đầu ra và người có nhu cầu tiếp cận được với nhà ở giá thấp. Dù được xem là lối thoát tốt, nhưng không nhiều doanh nghiệp tính đến phương án chuyển đổi, vì có nhiều rào cản mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để vượt qua.

Ông Trần Hải Minh, Tổng giám đốc Công ty Tecco phân tích, các dự án có khả năng chuyển đổi nhất là các dự án đang lập hồ sơ thiết kế, chưa xây dựng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng không dễ, bởi các doanh nghiệp trước đây đã mua quyền sử dụng đất với giá cao gấp 2, gấp 3, thậm chí là cả chục lần so với khung giá đất được ban hành. Trong khi đó, nếu chuyển đổi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thì doanh nghiệp chỉ được Nhà nước hoàn trả lại đúng bằng khung giá đất, vì vậy, phần chi phí về tiền sử dụng đất không giảm được bao nhiêu. Một điều đáng lo ngại nữa là việc huy động vốn để triển khai dự án. Với tình hình hiện nay, để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ là rất khó. Ngoài ra, khi chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các thủ tục giống như lập dự án từ đầu, gây mất thời gian và phiền phức. Chưa kể đối tượng mua nhà bị hạn chế, nên ít doanh nghiệp muốn chuyển đổi dự án.

Tại phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 24/1, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tái khẳng định, không phải dự án nào cũng có thể chuyển sang nhà ở xã hội. Theo ông Dũng, mức giá cho nhà ở xã hội tại TP. HCM và Hà Nội khoảng 500 triệu đồng/căn, cho các khu công nghiệp ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai từ 90 - 200 triệu đồng/căn là hợp lý. Như vậy, tại TP. HCM và Hà Nội, những dự án nào đưa về mức giá lý tưởng như trên mới có khả năng chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng 10 chủ đầu tư xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tại TP. HCM, một số doanh nghiệp bất động sản xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà tái định cư để bán cho khách hàng lớn là UBND Thành phố, số khác xin chuyển từ căn hộ thương mại lớn sang căn hộ thương mại vừa và nhỏ.

Bộ Xây dựng “nói rõ” số liệu DN có lãi

Liên quan đến việc “loạn” số liệu doanh nghiệp xây dựng, bất động sản có lãi năm 2012, ông Đỗ Đức Duy, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Xây dựng cho biết, theo tài liệu báo cáo chính thức của Bộ Xây dựng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 ngày 16/1/2013 (lấy từ nguồn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê), tính đến ngày 31/12/2012, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là 55.870 doanh nghiệp, gồm nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh như: xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng thủy lợi, thủy điện, hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản…, trong đó số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 7.848, chiếm 14%. Trong năm 2012, số doanh nghiệp ngành xây dựng có lãi là 37.197; số doanh nghiệp thua lỗ là 17.000, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp thua lỗ so với năm 2011.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ngành xây dựng gia tăng mạnh trong các năm 2011 và 2012. Nếu như năm 2010 có 9.451/48.753 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 19,4%), thì đến năm 2011 có 14.998/48.733 doanh nghiệp thua lỗ (30,8%) và năm 2012 có 17.000/55.870 doanh nghiệp thua lỗ (30,4%). Đây là số liệu do các doanh nghiệp báo cáo, chưa qua kiểm toán nên chưa thể phản ánh hết thực trạng thua lỗ thực tế của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Đó là chưa kể đến 2.637 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012. Điều đó cho thấy khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp ngành xây dựng, nhất là các doanh nghiệp bất động sản do chịu tác động của tình trạng đóng băng thị trường bất động sản, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.
 

 


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán