Hiện nay, dự thảo Luật Thuế nhà, đất chưa làm sáng tỏ được ba vấn đề về mục tiêu, nghĩa vụ nộp thuế và căn cứ tính thuế.
Dự thảo Luật Thuế nhà, đất hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nhất quán. Ảnh: Lê Toàn. |
Hiện nay, dự thảo Luật Thuế nhà, đất chưa làm sáng tỏ được ba vấn đề về mục tiêu, nghĩa vụ nộp thuế và căn cứ tính thuế.
Mục tiêu của dự luật có “chệch hướng”?
Ban soạn thảo chỉ đưa ra bốn mục tiêu của dự luật, nhưng đếm đi tính lại, thì thấy ít nhất là bảy mục tiêu sau: tăng cường sự quản lý nhà nước đối với nhà, đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả; hạn chế đầu cơ nhà, đất; khuyến khích thị trường bất động sản phát triển; khắc phục các hạn chế của thuế nhà, đất hiện hành; phù hợp với thông lệ quốc tế; và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Các điều khoản của dự luật đã được xây dựng bám sát mục tiêu đầu tiên là nhằm “tăng cường quản lý của Nhà nước đối với nhà, đất”. Đây là một mục tiêu chệch hướng, vì một đạo luật về thuế thì mục tiêu hàng đầu phải là phục vụ cho việc thu thuế, chứ không thể thay thế vai trò của hàng loạt đạo luật trực tiếp điều chỉnh về bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng,... Tương tự là mục tiêu “khuyến khích thị trường bất động sản phát triển” cũng không nên đặt ra ở đây.
Đặt ra quá nhiều mục tiêu, nên dự luật cũng chưa giải quyết được mục tiêu thứ hai là “sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất”.
Để đạt được các mục tiêu tài chính, cần phải tăng mạnh thuế suất đối với nhà đất vượt quá nhiều lần hạn mức. Nếu như thuế suất cao nhất của thuế thu nhập cá nhân gấp tới bảy lần thuế suất khởi điểm, thì thuế suất cao nhất của luật này ít nhất phải gấp 10 lần, chứ không phải chỉ để ở mức chênh nhau ba lần như dự luật.
Nghĩa vụ nộp thuế là những ẩn số
Là một đạo luật điều chỉnh một vấn đề rất phức tạp, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của hàng chục triệu người nộp thuế, nhưng lại được viết quá ngắn gọn chỉ với 13 điều luật và chưa đầy năm trang giấy, trong đó có tới 10 lần “chuyển” trách nhiệm cho Chính phủ.
Nếu cứ viết sơ sài, chung chung như dự luật, thì vừa không đúng với đòi hỏi của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vừa gây khó cho người nộp thuế. Chắc chắn sau này nghị định và thông tư hướng dẫn sẽ lại dài gấp hàng chục lần luật (cũng giống như tình trạng của các luật thuế khác). Phải chăng viết cụ thể, chi tiết, đầy đủ thì khó thuyết phục và khó thông qua Quốc hội?
Điều 84 của Hiến pháp đã đặt ra nguyên tắc: Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Do vậy, nghĩa vụ đóng thuế của mọi cá nhân và tổ chức phải được luật hóa chi tiết, cụ thể. Người nộp thuế được quyền đòi hỏi chính đáng là sau khi đọc xong Luật Thuế nhà, đất có thể ước tính được số tiền mình phải đóng thuế.
Nhưng theo dự luật này thì không ai có thể hình dung rằng mình sẽ phải nộp bao nhiêu và nộp thế nào, vì hạn mức tính thuế, đơn giá tính thuế, hệ số tầng nhà,… đều là những ẩn số. Người nộp thuế chỉ phỏng đoán rằng thuế sẽ tăng lên chứ không giảm xuống, nhưng không thể biết sẽ phải nộp nhiều gấp mấy lần trước kia. Như vậy, quyền đánh thuế hay không đánh thuế và đánh thuế cao hay thấp không thật sự còn là của Quốc hội nữa, mà là của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Vì vậy, đề nghị tất cả những vấn đề cơ bản, ảnh hướng đến nghĩa vụ nộp thuế cần phải được quy định rõ trong luật, chứ không thể giao hết cho Chính phủ. Chẳng hạn, hệ số phân bổ cho các tầng đối với nhà nhiều tầng (điều khoản 6.2.3 về giá tính thuế đối với nhà ở) là nội dung đã có quy định ổn định hàng chục năm nay, cần phải được ấn định rõ trong luật. Hay hạn mức đất làm căn cứ tính thuế là một trong những nội dung cơ bản của luật, cần được ấn định rõ, chứ không thể giao cho Chính phủ quy định (điều khoản 7.2 về thuế suất).
Căn cứ tính thuế nhà thiếu hợp lý
Theo dự luật, Nhà nước sẽ thu thuế nhà đối với phần nhà có giá trị trên 600 triệu đồng, tính theo đơn giá xây dựng đối với từng loại công trình và thời hạn sử dụng. Ban soạn thảo lý giải giá trị này là dựa trên con số diện tích nhà bình quân không phải nộp thuế là 37,5 mét vuông/người. Với căn cứ tính thuế này, giả sử đơn giá xây dựng 4 triệu đồng/mét vuông, thì căn nhà trên 150 mét vuông sẽ phải nộp thuế, không cần biết chỉ sử dụng cho một người hay cho 10 người ở. Đó là điều bất công, xa rời mục tiêu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhà đất.
Về cơ sở tính toán, mỗi căn nhà, ngoài dữ liệu cơ bản là diện tích, còn phải tính theo từng loại, cấp, hạng nhà và từng năm sử dụng. Theo một số liệu mới công bố gần đây của Bộ Xây dựng, trên 50% nhà ở đô thị có tuổi thọ trên 50 năm. Nếu tính theo thời gian sử dụng, giá trị những căn nhà này còn lại không đáng kể, nên về nguyên tắc sẽ không phải nộp thuế nhà hoặc chỉ nộp một số rất ít.
Do vậy, thay vì đánh thuế trên giá trị nhà thì chỉ nên đánh thuế đối với phần diện tích nhà vượt hạn mức sử dụng, như vậy sẽ đơn giản và công bằng hơn rất nhiều. Giả sử hạn mức nhà ở không phải nộp thuế là 40 mét vuông/người, thì một gia đình có 4 người, phải nộp thuế đối với phần diện tích nhà vượt quá 160 mét vuông là hoàn toàn hợp lý, dù là ở thành phố hay nông thôn.
Đặc biệt, để giản tiện và hiệu quả trong việc thu thuế, thì không nên tính giá nhà theo nhiều loại công trình và nhiều thời gian sử dụng khác nhau, mà chỉ cần tính chung theo một đơn giá. Chẳng hạn, nếu tính đơn giá bình quân 4 triệu đồng/mét vuông, thì 160 mét vuông nhà trong ví dụ trên có giá trị bằng 620 triệu đồng, cũng tương đương với mức giới hạn tiền phải nộp thuế theo dự luật. Theo cách này, thì ai cũng dễ dàng tự tính ra tiền thuế mà mình phải nộp. Việc tính thuế theo một giá này không hề bất công, vì giá chỉ là yếu tố phụ, còn diện tích nhà mới là yếu tố chính. Có thể so với cách tính thuế giá trị gia tăng trước kia là 5-7 bậc, nay còn 3 bậc và sẽ tiến tới chỉ còn một mức thuế suất. Càng ít bậc thuế thì càng đơn giản, công bằng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Luật Thuế nhà, đất cần ấn định rõ tổng hệ số đất của tất cả các tầng nhà luôn luôn phải bằng 1, nhằm khuyến khích xây công trình cao tầng để tiết kiệm đất. Nhà cao tầng thì sẽ phải nộp thuế đất rất ít, mà chủ yếu nộp thuế theo diện tích nhà. Không thể để sau này Chính phủ quy định tổng số thuế đất đối với nhà cao tầng lại phải nộp nhiều hơn mấy lần nhà thấp tầng như giải trình của ban soạn thảo. Cần thể hiện quan điểm khuyến khích xây dựng và sở hữu nhà (gia tăng của cải) hơn là khuyến khích việc “ôm” đất (chiếm giữ nguồn tài nguyên hữu hạn). (Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO)
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG