"Đổi" 48ha đất vàng Thủ đô lấy 7 tuyến đường

Cập nhật 06/01/2010 09:30

Một số nhà đầu tư vừa đề xuất làm 7 tuyến đường tổng chiều dài 12,46km "chắp nối" các khu dân cư, đô thị mới tại quận Hà Đông (Hà Nội), vừa đề nghị được khai thác 6 dự án khác với tổng diện tích 48ha "đất vàng"...

Một số nhà đầu tư vừa đề xuất làm 7 tuyến đường tổng chiều dài 12,46km "chắp nối" các khu dân cư, đô thị mới tại quận Hà Đông (Hà Nội), vừa đề nghị được khai thác 6 dự án khác với tổng diện tích 48ha "đất vàng" Thủ đô nhằm phục vụ thu hồi vốn đầu tư các tuyến đường này.

Đây được gọi là các dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Các nhà đầu tư tự khái toán tổng vốn xây dựng 7 tuyến đường là 1.301,7 tỉ đồng và cho rằng tổng số tiền sử dụng 48ha đất thuộc 6 dự án khác cũng tại Hà Nội đối ứng cũng khoảng 1.300,1 tỉ đồng.

Nhà đã xong nhưng không đủ... đường?

Theo trình bày của các nhà đầu tư này (liên danh Cty CP Văn Phú INVEST và Cty CP Đầu tư Hải Phát), xây thêm 7 tuyến đường tại Hà Đông lúc này là cần thiết, vì từ khoảng năm 2004, trên địa bàn Hà Đông bắt đầu "nô nức mọc lên" các khu nhà ở, đô thị mới nhưng việc kết nối đồng bộ hạ tầng chưa tốt.

"Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nhằm kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo qui hoạch, góp phần phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực" - các nhà đầu tư khẳng định.
 

Chỉ riêng 1 liên danh hai nhà đầu tư đã muốn "ôm" cùng lúc 6 khu dự án để xây dựng 7 tuyến đường (Ảnh tư liệu, chỉ mang tính minh họa).


7 tuyến đường - theo đề xuất của những nhà đầu tư quan tâm - sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ về thoát nước, cây xanh, chiếu sáng và tổ chức giao thông. Trong số đó, tuyến dài nhất là 4,5km (đường qui hoạch thuộc địa phận phường Phú Lương và một phần xã Bích Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có điểm đầu giáp khu đô thị mới Phú Lương, điểm cuối giao cắt quốc lộ 21B.

Dài thứ hai là tuyến đường nằm trong qui hoạch chung của Hà Đông thuộc xã Dương Nội (Hà Đông) và xã Đông La (Hoài Đức), 2km từ điểm đầu giao cắt với đường Lê Văn Lương (mương tiêu thoát nước nhánh kênh La Khê) và điểm cuối giao với đường qui hoạch thuộc xã Đông La.

Các tuyến còn lại đều dài chưa đầy 2km, cá biệt có tuyến chỉ 500m, như đường 19-5 (phường Văn Quán) từ nút giao với đường 430 ngã tư Cầu Đen đến trường mầm non Sơn Ca.

Cụ thể: Đường Thanh Bình (phường Văn Mỗ) dài 1,68km từ khách sạn Sông Nhuệ đến trạm bơm Thanh Bình; đường qui hoạch thuộc xã Kiến Hưng dài 0,7km từ ngã ba đường Phúc La - Văn Phú cắt đường trục phía Nam đến sát doanh trại quân đội; đường qui hoạch thuộc địa phận Phú Lương và một phần xã Bích Hòa (Chương Mỹ) dài 1,7km từ ngã ba giao với quốc lộ 21B đến khu đô thị Thanh Hà; đường trong qui hoạch đô thị Bắc Hà Đông thuộc xã Dương Nội (Hà Đông) và Đông La (Hoài Đức) dài 1,46km từ giao cắt với đường gom vành đai IV đến giao đường Lê Trọng Tấn (sát trường tiểu học Dương Nội B).

Các tuyến đường này rộng nhất là 45m (đường qui hoạch điểm đầu giáp khu đô thị mới Phú Lương, điểm cuối giao cắt quốc lộ 21B kể trên) và hẹp nhất là 18,5m (đường Thanh Bình và đường 19-5).

Nhà đầu tư cũng cho hay vốn tự có chỉ đáp ứng khoảng 20%, tức hơn 260 tỉ đồng trong tổng số 1.301,7 tỉ đồng khái toán. Số còn lại phải vay và huy động, đồng thời đề nghị được khai thác 6 dự án bất động sản khác để hoàn vốn đầu tư 7 tuyến này.

Tự chọn "đất kim cương"

6 dự án bất động sản được liên danh đầu tư "nhắm đến", coi như "điều kiện" để có thể hoàn vốn làm 7 tuyến đường trên địa bàn Hà Đông (kể trên), cũng chủ yếu tọa lạc tại quận Hà Đông - "miền đất hứa" với tiềm năng khá "hot" giai đoạn này.

Đó là dự án Khu nhà ở Phú Lãm với 6ha đất có chức năng sử dụng theo qui hoạch là... công trình công cộng, tuy nhiên liên danh (trên) có nguyện vọng muốn xây khu nhà ở với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 552,9 tỉ đồng.

Cùng với đó, nhà đầu tư "nhắm 24,5ha đất Khu đô thị Phúc La - Văn Quán có chức năng sử dụng theo qui hoạch là đất cây xanh cách ly và đất cơ quan hành chính, với ý định bỏ ra 3.492,3 tỉ đồng để xây hàng loạt nhà ở cao tầng, thấp tầng...

Lại nữa, nhà đầu tư đề xuất dự án Khu nhà ở cao tầng hỗn hợp Kiến Hưng với khoảng 1,5ha đất có chức năng sử dụng theo qui hoạch là công trình công cộng và đất ở đô thị, song cho biết mong muốn xây nhiều nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ với tổng mức đầu tư khoảng 206,8 tỉ đồng.

Chỉ có 3/6 khu đất liên danh trên đề xuất "thuần túy" là đất ở đô thị theo đúng qui hoạch, là dự án Khu nhà ở Yên Nghĩa (3ha), Khu nhà ở Dương Nội (3ha) và Khu đô thị Kiến Hưng (10ha).
 

Hà Đông sẽ có thêm 7 tuyến đường nếu nhà đầu tư được quyền khai thác 48ha "đất vàng"? (Ảnh tư liệu, chỉ mang tính minh họa)


Tổng cộng diện tích "đất vàng" mà nhà đầu tư muốn được toàn quyền khai thác sau khi "chào hàng" 7 tuyến đường là 48ha. Nhà đầu tư tự dự tính tổng số tiền sử dụng đất đối ứng là 1.300,1 tỉ đồng, tức là vừa khớp tổng mức đầu tư cần có để xây 7 tuyến đường kia.

Giá đất ở thuộc địa bàn quận Hà Đông vừa được ban hành kèm Nghị quyết 18/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 của HĐND TP Hà Nội cao nhất là 21 triệu đồng/m2, thấp nhất 1,8 triệu đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại quận mới này cũng vừa được định giá cao nhất 9,135 triệu đồng/m2, thấp nhất 1,1 triệu đồng/m2.

Còn các dự án bất động sản tại nơi từng là "thành phố" này bước sang năm nay giá "gốc" những căn hộ (đã hoàn thành hoặc đang ở "thì tương lai") đều được chủ đầu tư "phát ra" trung bình trên dưới 20 triệu đồng/m2. Nhà thấp tầng kiểu như biệt thự hoặc phân lô đất dĩ nhiên đơn giá trên mét vuông cao hơn nhiều.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet