Doanh nhân Nguyễn Văn Đực: Những lời 'nghịch nhĩ' chân thành

Cập nhật 29/07/2013 11:04

“Cho chết hai phần ba, cứu phần còn lại”, “Không cần cứu và không thể cứu bất động sản bằng tiền”...

“Cho chết hai phần ba, cứu phần còn lại”, “Không cần cứu và không thể cứu bất động sản bằng tiền”...

Ông Nguyễn Văn Đực

Những phát ngôn gây sốc gần đây của ông Nguyễn Văn Đực, phó tổng giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, phó chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM là lời cảnh tỉnh trước hiệu ứng domino đang cuốn các doanh nghiệp bất động sản vào “thảm hoạ sóng thần” nợ xấu, nguy cơ thâu tóm và phá sản hàng loạt. Ông dám nói những lời nghịch nhĩ vì tin rằng sự chân thành của mình có lợi cho đời sống người dân, cho kinh tế đất nước.

* Theo ông, thị trường bất động sản sẽ còn “đen tối” đến cỡ nào?

- Thị trường bất động sản phát triển từ rắn thành rồng trong khoảng 11 năm, nhưng từ rồng trở thành rắn chỉ trong một năm, loay hoay từ nay đến cuối năm, nhiều đại gia không còn gì. Sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa các vụ lừa đảo, chụp giật…

Biết bao dự án dang dở lên đến hàng triệu tỉ đồng coi như mất trắng, biết bao giờ ra được sản phẩm. Người ta đua nhau bán dự án, bán cả doanh nghiệp để tháo chạy khỏi thị trường.

Một thời gian dài lãi rất lớn và rất nhanh làm nhiều chủ doanh nghiệp mất cảnh giác, đua nhau phiêu lưu, mở nhiều dự án, phân khúc khác nhau trên nhiều mặt trận, hy vọng đất nước phát triển nóng, tiền nước ngoài đổ vào sẽ tạo ra lợi nhuận khủng.

Nhưng khi kinh tế chựng lại, lãi suất cao, lạm phát cao, đầu tư công sai, Nhà nước ưu tiên cứu những “quả đấm thép” là tập đoàn nhà nước… thì sản phẩm không bán được.

Tiêu thụ không có mà phải móc tiền trả lãi ngân hàng, phải vay nóng ngoài xã hội, cạn kiệt tiền mặt suốt hai, ba năm rồi, đến mức không đủ tiền để bồi thường khách hàng khi có yêu cầu huỷ hợp đồng, phạt do chậm giao nhà. Sức doanh nghiệp lịm dần, chờ chết hoặc bỏ chạy trước khi chết.

Hoặc lừa đảo, bán một nơi cho hai, ba người, mặc nợ nần để lại, trong đó có nợ thi công, nợ ngân hàng, nợ người dân… Lỗi chính là ở doanh nghiệp, nhưng có phần không nhỏ do chính sách vĩ mô, đưa đến doanh nghiệp mất dần khả năng chi trả.

* Năm 2013 lại chứng kiến các thương vụ thâu tóm bất động sản của khối ngoại lên đến hàng chục triệu USD, phải chăng sóng ngầm săn tài sản rẻ tại Việt Nam đang ép giá tối thiểu xuống dưới 50%?

- Khi ngành bất động sản non trẻ sụp đổ, tài sản sẽ thuộc về ngân hàng hoặc bán cho nước ngoài, một cuộc “thay áo” hoàn toàn mới. Người nước ngoài trở thành ông chủ của những dự án nội, doanh nhân quay về làm thuê cho những ông chủ ngoại ngay tại dự án của mình.

Thực tế đó không chỉ xảy ra với bất động sản, mà đang lan rộng sang nông sản, thuỷ hải sản, lâm sản, thức ăn gia súc… đều có tình trạng bị nước ngoài thâu tóm.

Trong những thương vụ mua bán, chúng ta đang bị thiệt đơn thiệt kép, bị đẩy giá xuống thấp hơn giá trị thực rất nhiều. Họ chỉ cần nuôi một thời gian ngắn rồi bán lại với giá gấp nhiều lần, người dân mình gánh chịu hết thiệt thòi.

Hoà bình độc lập mà tài sản vào hết tay tư bản nước ngoài, thật quá đau thương. Ấy là chưa kể những ông chủ nước ngoài ẩn danh, sau các thương vụ mua bán ấy là rửa tiền, dòng tiền không thể kiểm soát được, dẫn đến việc hình thành những mafia trong tài chính.

* Ông suy nghĩ gì khi thấy nhiều bạn bè doanh nhân ngã gục?

- Đau xót khi thấy một thế hệ doanh nhân non trẻ đầy nhiệt huyết, tạo dựng được tài sản, góp phần vận hành đất nước trong một thời gian dài bỗng chốc sụp đổ. Bạn bè có người phải trốn tránh, tù đày…

Liệu khối doanh nhân có tồn tại nổi hay không? Nếu tài sản cứ từ từ ra đi, một ngày cũng tới phiên mình, phải buông tay khi đã trải qua chinh chiến dài ngày, chấp nhận bán mình vì sức tàn lực kiệt, không cạnh tranh nổi với những tài phiệt mới.

Đất Lành cách đây hai năm cũng bon chen đầu tư cao ốc văn phòng, giờ phải bán rồi. Bản thân tôi cũng đã phải bán một căn nhà tài sản của cá nhân, mạnh dạn cắt núm ruột của mình để tồn tại, không còn cách nào khác.

Mỗi người một cảnh, nhiều đại gia bất động sản khá tên tuổi cũng đi vào chung cư ở, mà thực chất không biết căn hộ ấy có phải của ông ta không nữa. Như thế còn hơn phải lừa đảo, phạm pháp.

Nhưng không phải lúc nào tài sản cũng bán được, dự án bồi thường dở dang, xây dựng dở dang bán không ai mua, lúc ấy thì điên đầu. Trong hội thảo “Gặp bão và vượt bão”, tôi đã đưa ra kế sách “Tẩu thế nào để tránh tổn hại”!

Làm sao doanh nhân Việt Nam có thể chống đỡ lại doanh nhân nước ngoài, giới tài phiệt lớn? Sau cơn sóng thần, không ai không thiệt hại, kể cả người dân. Điều tôi lo nhất là doanh nhân không gượng dậy nổi sau cơn hồng thuỷ này.

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT