Doanh nghiệp vẫn không mặn mà với nhà giá thấp

Cập nhật 13/04/2009 11:05

Mặc dù đề án phát triển nhà ở giá thấp đã được Chính phủ phê duyệt và các bộ, ngành cùng một số địa phương liên tục thông tin về các chính sách ưu đãi doanh nghiệp tham gia xây nhà...

Mặc dù đề án phát triển nhà ở giá thấp đã được Chính phủ phê duyệt và các bộ, ngành cùng một số địa phương liên tục thông tin về các chính sách ưu đãi doanh nghiệp tham gia xây nhà cho người thu nhập thấp, thế nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà với chương trình này.

Không thể xây để "làm nhà cứu trợ"

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chia sẻ rằng họ chỉ tham gia đầu tư dự án nhà ở khi tính toán được mức độ sinh lời cao, rủi ro thấp, chứ không thể xây nhà để làm nhà cứu trợ xã hội. Nếu lấy giá trần khoảng 7 triệu đồng/m2 như Bộ Xây dựng đã đưa ra thì doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm được khu đất có giá thấp tương ứng, và phải giải bài toán giá đất, chi phí quản lý, và đặc biệt là chất lượng nhà.

Tổng giám đốc kiêm Chủ tich HĐQT một công ty xây dựng lớn tại Hà Nội (xin không tiết lộ tên) nói rằng chi phí xây dựng luôn đi kèm với chất lượng sản phẩm, nếu hạ giá nhà xuống thấp thì chất lượng tất nhiên sẽ kém, từ đó người mua cũng không mấy tin tưởng và đây là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt với giá đất trong nội thành Hà Nội hiện tại thì càng không thể đầu tư nhà giá thấp được vì giá đất cao sẽ làm đội giá nhà lên.

Bên cạnh đó, các chung cư giá thấp cũng không thể nằm trong những khu đô thị mới cao cấp, hiện đại được vì mặt bằng thu nhập tại khu vực này sẽ cao kéo theo đó các dịch vụ về thương mại, y tế, giáo dục cũng có chi phí cao và người thu nhập thấp không kham nổi.

Doanh nhân này cũng phân tích rằng để đầu tư dự án nhà giá rẻ theo đề án Bộ Xây dựng soạn thảo thì các doanh nghiệp sẽ cố gắng tiết giảm hết mức chi phí, và điều này có thể là họ sẽ không đầu tư cho hạ tầng dịch vụ, công viên, khu cây xanh, khu mua sắm, khu thể dục thể thao... và như vậy trong thành phố sẽ xuất hiện những khu chung cư mới nhưng không hiện đại, thiếu thốn dịch vụ, không có sự chăm chút cảnh quan...

Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư các dự án nhà giá rẻ tại Hà Đông, Vĩnh Phúc... cũng góp ý rằng các cơ quan quản lý nhà nước không nên khống chế chiều cao của các dự án nhà ở xã hội (Luật Nhà ở quy định nhà ở xã hội không được cao quá 6 tầng, diện tích phòng không lớn 60m2). Ông Huy cho rằng mặt bằng giá nhà ở tại các địa phương khác nhau, chi phí cho mặt bằng và xây dựng cũng không giống nhau. Nếu áp dụng quy định như vậy, các doanh nghiệp sẽ bị gò bó và ngại tham gia vào các dự án nhà ở xã hội.

Còn ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Công ty Xây dựng Hoàng Hà, làm một phép tính và cho rằng ngay khi đã hoàn thành dự án và đưa ra kinh doanh thì doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều rủi ro, do giá thành đền bù đất, thuế và chi phí quá lớn mà thời gian thu hồi vốn chậm do bán nhà theo hình thức trả góp dài hạn. Một khó khăn khác là thủ tục hành chính phức tạp, có thể mất 5-6 năm cho việc đầu tư một dự án mà doanh nghiệp lại phải "chôn" vốn khá nhiều nên họ thấy không khả thi.

Dễ rơi vào cơ chế xin-cho

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng một thách thức lớn đối với nhà đầu tư là khuôn khổ thể chế chính sách còn rất sơ sài. Nhiều quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở cũng cần được điều chỉnh bổ sung, chẳng hạn như chưa có loại nhà giá thấp như trong đề án của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó những tiêu chuẩn về nhà ở xã hội do đề án đưa ra còn quá cứng nhắc, yếu tố thị trường còn mờ nhạt và còn mang dáng dấp của tư duy bao cấp. Ông Liêm đặt câu hỏi tại sao không cho phép chuyển nhượng nhà ở xã hội? Trong thực tế, chuyện những người nghèo, người có thu nhập thấp thường phải di chuyển chỗ ở để kiếm sống là một nhu cầu có thực, số lượng thành viên gia đình biến động và nhiều lý do khác khiến người ta cần di chuyển chỗ ở, cho nên không thể cấm đoán được điều này.

Còn ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì cho rằng nhà ở giá thấp phải đáp ứng các quy định và yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết, và các ngành, các địa phương có thể giao quyền quản lý cho cơ quan nhà nước hoặc nhà đầu tư. Nhưng những sự lựa chọn này rất dễ rơi vào cơ chế xin-cho, sẽ kéo theo vấn đề tham nhũng.

Ông Võ cũng trình bày quan điểm rằng đối với nhà ở xã hội - vốn do nhà nước hỗ trợ nhiều về thuế, đất, vốn vay ngân hàng, nên khi mở rộng đối tượng được mua nhà thì sẽ rất tốn kém vốn ngân sách, không thể bao cấp nổi. Tuy nhiên, đối với nhà giá thấp thì nên mở rộng đối tượng mua nhà vì như thế sẽ gắn kết với thị trường nhiều hơn, khuyến khích được nhiều nhà đầu tư hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG