Doanh nghiệp sẽ “chết”?

Cập nhật 07/06/2010 14:10

Số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp là tiền sử dụng đất theo giá thị trường trừ đi số tiền doanh nghiệp bỏ ra bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM, cách tính như trên không hợp lý vì chi phí đầu tư hạ tầng, tiền lãi vay ngân hàng... chưa được tính đến.


Các chủ đầu tư đang lúng túng với quy định mới về tiền sử dụng đất - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tại buổi tọa đàm về “Tiền sử dụng đất thu theo giá thị trường” do tạp chí Thị Trường Giá Cả Bất động sản và Tài sản và Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) tổ chức vừa diễn ra ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã nói như vậy.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến về đất đai vào trung tuần tháng năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã phân tích: Theo quy định của Nghị định 69 bổ sung quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư... nếu doanh nghiệp được giao đất không qua đấu giá, đấu thầu mà giá đất nhà nước vào thời điểm giao đất chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thì UBND cấp tỉnh/thành sẽ định giá lại cho sát với giá chuyển nhượng trên thị trường.

Theo đó, số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp là tiền sử dụng đất theo giá thị trường trừ đi số tiền doanh nghiệp bỏ ra bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cách tính như trên không hợp lý vì chi phí đầu tư hạ tầng, tiền lãi vay ngân hàng... chưa được tính đến. Đại diện một doanh nghiêp nêu vấn đề thực tế: Để thực hiện dự án, doanh nghiệp phải thỏa thuận đền bù, đầu tư xây dựng hạ tầng, trải qua các lớp thủ tục nhiêu khê… với nhiều khoản chi phí phát sinh, nhưng doanh nghiệp không thể có chứng từ để chứng minh cho cơ quan chức năng về các khoản đã chi này.

Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty phát triển nhà Bình Dân, cho biết: Tính theo Nghị định 69, khi giá đất biến động, doanh nghiệp không thể chủ động tính toán được giá thành đầu vào của sản phẩm dẫn đến việc phát triển các dự án bất động sản gặp rủi ro rất cao. Theo hướng dẫn, cần có một công ty thẩm định giá làm cơ sở để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về mức giá để nộp tiền SDĐ. Kết quả thẩm định giá trị quyền sử dụng 7.000m2 đất dự án của công ty chúng tôi là trên 54 tỉ đồng, tính ra mỗi mét vuông đất là hơn 7,7 triệu đồng, ngang bằng với giá đất thành phẩm đang giao dịch trên thị trường.

Còn theo ông Nguyễn Đình Chân, Giám đốc Ban quản lý dự án số 9 thuộc Tập đoàn phát triển nhà và đô thị HUD: Khu đô thị tại Nhơn Trạch quy mô cả ngàn héc-ta, chia ra thành từng dự án thành phần thực hiện suốt gần 10 năm nay. Nay, với các dự án thành phần đang triển khai mà phải nộp tiền SDĐ theo quy định mới, giá đất thành phẩm sẽ cao xấp xỉ sản phẩm hiện có nên doanh nghiệp vẫn chưa thể bán ra thị trường vì chưa biết chọn phương thức nào để tính ra giá thành sao cho cả doanh nghiệp lẫn người mua đều không phải chịu thiệt.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết đến nay chưa có doanh nghiệp nào đóng tiền SDĐ theo Nghị định 69.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên