Doanh nghiệp địa ốc "đau" vì phải bán dự án ngon ăn do nợ nần

Cập nhật 25/09/2014 14:22

Nhiều doanh nghiệp bất động sản trước sép ép về tài chính hoặc bị ngân hàng siết nợ buộc phải bán đi những dự án “ngon ăn”.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản trước sép ép về tài chính hoặc bị ngân hàng siết nợ buộc phải bán đi những dự án “ngon ăn”.

Nam Đàn Plaza (đường Phạm Hùng, Hà Nội), một trong những dự án mà PVL đã từng làm chủ đầu tư

Mới đây, HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) đã chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ quyền sở hữu tài sản trên đất tại khu đất có tổng diện tích 2.833,6 m2 của Tòa nhà Trung tâm thương mại và Khách sạn Quỳnh Lưu Plaza tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho một ngân hàng khai thác sử dụng.

Điều đáng lo ngại là, nguồn thu chủ yếu của PVL trong nửa đầu năm 2014 chủ yếu đến từ việc cho thuê và kinh doanh Khách sạn Quỳnh Lưu. Vì thế, việc chuyển nhượng dự án này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của PVL trong thời gian tới. Song PVL hiện ở tình thế không còn đường lùi và không có sự lựa chọn nào khác.

Trường hợp PVL không phải là cá biệt, khi trong nửa đầu năm 2014, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã buộc phải bán đi những dự án “ngon ăn” do cạn nguồn tiền mặt.

Ví dụ, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát đã bán lô “đất vàng” số 36 - Phạm Hùng (Hà Nội) cho Tập đoàn FLC; Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) bán Dự án Water Garden (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho Đất Xanh; Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng chuyển nhượng Dự án La Casa (quận 7, TP.HCM) cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia…

Công ty Địa ốc Hoàng Quân TP.HCM (HQC) lại rơi vào tình cảnh khó khăn khác, khi phải chấp thuận phương án giải chấp cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trước khi bán căn hộ cho khách hàng sử dụng vay vốn tín dụng gói 30.000 tỷ đồng.

Cụ thể, sau khi HQC được BIDV cho vay 540 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để triển khai dự án nhà ở thương mại giá rẻ vào đầu năm nay, mới đây, HQC lại tiếp tục gửi 600 bộ hồ sơ khách hàng cá nhân đề nghị mua căn hộ theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đến BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn, song đã bị chi nhánh này từ chối. Theo yêu cầu của ngân hàng, các hồ sơ khách hàng cá nhân chỉ được xem xét cho vay trên cơ sở HQC phải nộp thêm vốn bù đắp phần tài sản thế chấp cho mỗi căn hộ sau khi bán để tránh tình trạng tài sản thế chấp chồng lên thế chấp.

Với sức ép về tài chính lớn như vậy, thì việc nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng siết nợ hoặc phải bán rẻ các dự án hoặc phải tìm mọi cách để “giật gấu vá vai” để duy trì hoạt động không còn là chuyện hiếm.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư