Doanh nghiệp đang bị “mắc cạn” vì vốn, lãi suất và hàng tồn kho

Cập nhật 30/03/2013 06:44

Giữa năm 2012, Chính phủ đã có Nghị quyết 13 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên Nghị quyết này chưa đủ liều lượng để cứu doanh nghiệp. Do đó, đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Giữa năm 2012, Chính phủ đã có Nghị quyết 13 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên Nghị quyết này chưa đủ liều lượng để cứu doanh nghiệp. Do đó, đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Tuy nhiên cho đến nay, Nghị quyết 02 vẫn chưa phát huy được tác dụng, hiện vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn, thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Các doanh nghiệp vẫn đang bị “mắc cạn” vì vốn, lãi suất và hàng tồn kho. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay, thủ tục cho vay rườm rà, thời gian kéo dài cũng là một trở ngại không nhỏ.

Bên cạnh đó, mức lãi suất các ngân hàng cho vay hiện nay còn rất cao, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay với mức từ 18% đến 21% trong khi các Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 13%/năm xuống 12%/năm áp dụng từ ngày 24/12/2012; chỉ riêng đối với một số doanh nghiệp lớn thì được vay với mức lãi suất 10% đến 12%/năm. Ông Văn Đức Mười- Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết: "Ngân hàng bây giờ đi tìm những doanh nghiệp lớn, cho vay lãi suất rất thấp. Nhưng còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì gần như là thiếu quan tâm, hoặc là thấy các doanh nghiệp này tốn công tốn sức quá không cần quan tâm đến. Chúng tôi là một doanh nghiệp lớn thì chúng tôi được ưu đãi hơn các doanh nghiệp khác ở thế mạnh đó. Nhưng tôi muốn nói ở đây là cho 198 doanh nghiệp nhỏ và vừa của hội Lương thực Thực phẩm. Và một điều nguy cơ nữa là lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn còn cao, tuy rằng trong năm vừa qua có 6 lần giảm lãi suất ngân hàng đầu vào. Như vậy đến năm 2015 khi chúng ta hoàn toàn hội nhập khu vực ASEAN+1 thì sức cạnh tranh của chúng ta bị xói mòn".

Ảnh minh họa.

Lượng hàng tồn kho quá lớn,đặc biệt là ngành bất động sản và vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, cũng là vấn đề nan giải khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu. Mặc dù các doanh nghiệp đã tính toán sản xuất giảm theo tình hình thị trường, 2 tháng đầu năm là tháng giáp Tết, tiêu thụ mạnh nhưng lượng hàng tồn kho của ngành chế biến, chế tạo còn rất cao. Chỉ số tồn kho tại thời điểm tháng 02/2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách của các Bộ, ngành đưa ra không ổn định, thay đổi liên tục gây bất lợi cho doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp đang trong trạng thái hoạt động cầm chừng, chờ sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật đất đai, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc ngân hàng, chờ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02…Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quốc Cường- Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Xây dựng và trang trí nội thất, thách thức lớn nhất chính là lòng tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, lòng tin giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với ngân hàng: "Khó khăn và thách thức lớn nhất của chúng ta trong năm 2013 này lại là ở niềm tin. Niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường, đặc biệt là của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh. Hiện nay, những hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là nghị quyết 02, thật ra nếu thực hiện được cũng sẽ xây dựng thêm niềm tin cho thị trường, cho doanh nghiệp. Nhưng triển khai rất chậm. Từ ngày 7/1 đến nay đã hơn 2 tháng rồi, nhưng nghị quyết này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Trong đó có một số giải pháp mà chúng tôi nghĩ là sẽ giúp được tính ổn định của thị trường".

Chính vì vậy, các doanh nghiệp rất cần cơ chế chính sách ổn định lâu dài, thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Đây là mong muốn hàng đầu, mong muốn cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp. Ông Lê Chí Hiếu- Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức bày tỏ: "Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi không gì khác hơn là một môi trường minh bạch, càng ngày càng giảm bớt đi những nhiễu loạn do tệ quan liêu, tham nhũng gây ra. Tham nhũng của chúng ta không phải là lớn mà nó là đại trà. Đó là vấn nạn hết sức khó khăn. Thêm nữa, môi trường pháp luật của chúng ta hiện nay còn nhiều việc phải sửa, không bình đẳng và có nhiều vướng mắc, đặc biệt trong vấn đề đất đai, vấn đề xây dựng bất động sản".

Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã kiến nghị thành phố và Chính phủ tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí phải thu của doanh nghiệp, người dân để tăng cầu hàng hóa và hỗ trợ cho doanh nghiệp; xem xét miễn thuế VAT cho hàng hóa tồn kho để giúp doanh nghiệp giảm giá bán, thu hồi vốn để tái sản xuất. Đối với ngân hàng, cần có các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8% đến 10%/năm, đồng thời giảm bớt thủ tục không cần thiết. Hơn ai hết, nhà nước cần chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn này. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp trước hết phải tự cứu mình bằng cách tái cấu trúc danh mục đầu tư, tái cấu trúc công ty từng phần, từng bộ phận. Đầu tiên là từ bộ phận kinh doanh, nhân sự để hệ thống hóa hệ thống quản lý, quản trị của công ty, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là đội ngũ nhân sự để tăng tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV