Doanh nghiệp BĐS phá sản: Người dân sẽ mất tiền

Cập nhật 31/03/2013 08:56

Trong trường hợp chủ đầu tư dự án phá sản, thì các khách hàng, người mua nhà sẽ khó thu hồi phần vốn góp bởi miếng bánh đã bị chia hết cho các chủ nợ đảm bảo đó là các ngân hàng.

Trong trường hợp chủ đầu tư dự án phá sản, thì các khách hàng, người mua nhà sẽ khó thu hồi phần vốn góp bởi miếng bánh đã bị chia hết cho các chủ nợ đảm bảo đó là các ngân hàng.

Thị trường BĐS vẫn đang nằm bất động. Năm vừa qua, hàng loạt các công ty BĐS đã phá sản, hàng loạt công ty đang “chết lâm sàng”. Dự báo trong năm nay, cuộc chiến này sẽ còn khốc liệt hơn nữa.

Chỉ tính riêng các công ty bất động sản đang niêm yết trên 2 sàn giao dịch, hiện số tiền mặt mà nhóm bất động sản, xây dựng đang niêm yết nắm giữ khoảng 9.000 tỷ đồng, nhưng số nợ vay đã lên 200.000 tỷ đồng. Với lãi suất bình quân khoảng 12-15% như hiện nay, mỗi quý nhóm doanh nghiệp này phải trả lãi khoảng vài nghìn tỷ đồng. Như vậy số tiền mặt chỉ đủ trả lãi vay trong quý 2. Trong năm 2012, hàng loạt các doanh nghiệp giải thể nằm trong nhóm dễ sinh, dễ tử với vốn điều lệ ít, khi thị trường lao dốc, buộc phải đóng cửa. Số còn lại thì hiện đến 60-70% đang đắp chiếu, dự án không bán được dù đã hạ giá liên tục nhưng mỗi tháng mỗi doanh nghiệp vẫn mất 30-40 tỷ đồng chi phí điều hành, trả lãi ngân hàng… Số này cũng không cầm cự được lâu nữa.

Ảnh minh họa

Điều gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp không may phá sản. Theo luật sư Phạm Thanh Bình – công ty Luật Hồng Hà,  khi phá sản thì toàn bộ tài sản sẽ bị phát mại để trả cho các chủ nợ có bảo đảm trong trường hợp sổ đỏ đã được thế chấp cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ là chủ nợ có bảo đảm. Còn đối với khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn, mua bán nhà là những chủ nợ không có bảo đảm cho nên về nguyên tắc những tài sản mà doanh nghiệp khi phá sản thì tài sản sẽ được trả nợ cho chủ nợ có bảo đảm sau khi ký thủ tục phá sản sẽ trả lương, trả nợ bảo hiểm cho doanh nghiệp sẽ ưu tiên trả chủ nợ có bảo đảm, nếu còn mới đến lượt các chủ nợ không có bảo đảm.

Nguy cơ mất mát với khách hàng là rất lớn bởi tài sản mà doanh nghiệp còn khó có thể đủ để trả hết được cho khách hàng. Miếng bánh dành cho chủ nợ không có bảo đảm sẽ còn rất nhỏ thậm chí là bằng 0 cho nên rủi ro, thiệt hại sẽ rất lớn. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án phá sản, thì các khách hàng, người mua nhà sẽ khó thu hồi phần vốn góp bởi miếng bánh đã bị chia hết cho các chủ nợ đảm bảo - đó là các ngân hàng.

KS Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành (TPHCM) cho rằng: Doanh nghiệp bất động sản hiện chỉ có vài chục phần trăm vốn tự có, doanh nghiệp phá sản không chỉ mất mát tài sản của doanh nghiệp mà còn mất tài sản của các ngành nghề khác, của ngân hàng. Nếu họ phá sản thì ai là người mất tiền? Nghiêm trọng là nhiều người dân đã đóng tiền cho dự án mua nhà nhưng nếu chủ đầu tư phá sản, xây dựng dở dang, không giao được nhà thì ai là người mất tiền?. “Dân chính là người mất tiền!” - ông Đực khẳng định. Cũng theo ông Đực, nếu để thị trường bất động sản “rơi tự do” thì sẽ không thể tạo nên một cú hích để dừng lại và hồi sinh.

Cần xác định cho “rơi” ở phân khúc nào, cần phải hỗ trợ phân khúc nào, chứ không để “rơi tự do” hàng loạt, rồi chết hàng loạt. KS Nguyễn Văn Đực cho rằng, Nhà nước cần tạo ra những “cánh dù” bằng cách “cởi trói” cho doanh nghiệp được bung dù, lèo lái cánh dù để tồn tại. Chừng 30% doanh nghiệp tồn tại cũng đủ để hồi sinh nền kinh tế BĐS và nhiều ngành kinh tế khác. Việc Chính phủ rót 30.000 tỉ đồng qua ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho địa ốc, hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua nhà sẽ giúp người dân có cơ hội sở hữu nhà, giúp doanh nghiệp tồn tại và cũng là giúp các ngành nghề khác ổn định.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia